Hotline:
Banner
Tin Nóng

Cần có biện pháp bảo vệ khi voi rừng xuất hiện trở lại

10 Tháng Tám 2016 2:28:25 CH

Moitruong24h - Trong chuyến công tác Sông Mã vừa qua, chúng tôi đến xã Huổi Một đúng lúc voi rừng xuất hiện trở lại ở bản Kéo. Theo thông tin ban đầu, đây chính là con voi năm 2004 đã quật chết 1 người ở xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) và hiện đang tiếp tục gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu, gia súc khiến người dân lo lắng. Chúng tôi đã trực tiếp đến bản Kéo để tìm hiểu rõ hơn về thông tin này.

Vết chân voi xuất hiện trên nương sắn của người dân bản Kéo, xã Huổi Một (Sông Mã). 

Tiếp chúng tôi, ông Lò Văn Ngâu trưởng bản Kéo, chia sẻ: Voi rừng bắt đầu xuất hiện tại bản năm 2012, đến năm 2013, voi vẫn xuất hiện thường xuyên nhưng không gây hại. Năm 2014, cứ tầm khoảng 5 giờ chiều đến 7 giờ tối voi lại xuất hiện phá hoại nương ngô, sắn, lán nương, gia súc cũng như rất nhiều ống dẫn nước của bà con. Theo thống kê của bản, voi đã quật chết 1 con trâu, 5 con bò, nhiều diện tích nương ngô, sắn, lúa nước của bà con bị voi phá nát. Hiện bản rất mong các cấp, ngành chức năng có biện pháp di chuyển voi đến nơi có điều kiện phù hợp để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân.

Anh Lò Văn Hiển, chủ con trâu bị voi quật chết, cho biết: Gia đình tôi có 5 con trâu, nhốt chuồng trên đồi nương của nhà, trước đây trâu nhốt trên chuồng, voi còn nằm cạnh chuồng nên gia đình yên tâm nhốt trâu ở chuồng trên đồi. Rạng sáng ngày 16/7 vừa qua, lên đồi thấy con trâu cái đang chửa bị quật chết, may mắn 4 con trâu kia chạy thoát. Rất mong chính quyền quan tâm, có biện pháp ngăn chặn voi rừng và hỗ trợ một phần để chúng tôi có thể yên tâm ổn định sản xuất.

Muốn được tận mắt nhìn thấy con voi dữ, chúng tôi nhờ anh Lò Văn Thủy một người dân trong bản dẫn đường, vượt qua 3km đường mòn dốc núi, gồ ghề, trơn trượt lên nương sắn của người dân, nơi voi thường xuất hiện. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, hỏi chuyện anh Vì Văn Sưa đang làm cỏ nương sắn của gia đình, anh bảo: Tháng 10/2015, gia đình cũng bị voi quật chết 1 con bò, phá hoại 1 ha ngô... Trước đây dùng biện pháp xua đuổi, voi biết sợ chạy đi, nhưng giờ người dân nghe thấy tiếng động của voi phải chủ động tránh, vì voi đã quật chết người rồi. Chúng tôi đi vòng quanh đồi nghe ngóng, quan sát đến khi trời đã nhá nhem tối, không thấy voi xuất hiện nên đành phải về.

 Qua thông tin kiểm lâm địa bàn cho biết: Trước đây huyện Sông Mã có 1 đàn voi thường xuyên di chuyển từ xã Mường Cai qua Lào, năm 1998, con voi đực bị bắn chết, đến năm 2004, con voi con cũng bị bắn hạ, chỉ còn 1 mình con voi cái trở nên dữ và phá phách, quật chết 1 người ở xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn. Đầu năm 2012, con voi cái thường xuyên xuất hiện tại địa bàn xã Chiềng Khoong, Huổi Một, Nà Nghịu, voi đã quật ngã và đâm lún sọ, gẫy xương sườn 1 người dân ở bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu vào tháng 9/2012.  

Do vùng sinh cảnh của voi bị thu hẹp, hạn chế về thức ăn nên từ năm 2014, voi lại tiếp tục xuất hiện khu vực lân cận giáp ranh với bản Lọng Mòn (xã Huổi Một), bản Hải Sơn (xã Chiềng Khoong). Tại đây, voi đã phá hoa màu, tài sản, gia súc, đe dọa gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân, nhiều nhất ở bản Kéo (xã Huổi Một).

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, từ năm 2014 đến nay, tính ở riêng bản Kéo, voi rừng tấn công 156 lần, phá hơn 15 nghìn m2 lúa nước, gần 64 nghìn m2 nương ngô, hơn 171 nghìn m2 nương sắn, làm chết 1 con trâu, 5 con bò, phá 2 máy phát cỏ, thái sắn, 1 nhà ở cấp IV, 1 chuồng trại và nhiều ống dẫn nước (tổng giá trị thiệt hại hơn 439 triệu đồng)... Ngoài ra ở bản Lọng Mòn (xã Huổi Một), bản Hải Sơn (xã Chiềng Khoong) cũng bị thiệt hại đáng kể.

Trao đổi với anh Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, anh cho hay: Hạt cũng đã nỗ lực để quản lý voi nhưng giờ vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Chúng tôi đã hướng dẫn nhân dân xua đuổi voi, trực tiếp cho kiểm lâm địa bàn xuống tuyên truyền nhân dân các xã nơi thường có voi xuất hiện, áp dụng nhiều biện pháp như đốt lửa, gõ mõ, đánh kẻng gây tiếng ồn; tuyên truyền cho bà con tuyệt đối không được bắn, bắt, bẫy và dùng các biện pháp khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi, khuyến cáo người dân tự bảo vệ tài sản của mình. Bây giờ, người dân đã biết cách phòng tránh, nhiều nơi như ở bản Hải Sơn (xã Chiềng Khoong) người dân còn dùng một số biện pháp khác như thắp bóng điện trên nương, dùng pháo đất đèn tự chế để giả tiếng súng, nhưng quen rồi, voi cũng không sợ nữa.

Năm 2015, Đoàn công tác của Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với Kiểm lâm huyện đi khảo sát các vùng voi thường gây hại. Qua tài liệu, phỏng vấn và điều tra hiện trường, chỉ còn duy nhất một cá thể voi cái trưởng thành đang sinh sống tại huyện Sông Mã trên vùng Tây Bắc, trong độ tuổi sinh nở, nếu được di chuyển đem đi bảo tồn vẫn duy trì được nòi giống. Nhưng để di chuyển rất tốn kém, nên giờ voi vẫn chưa được di chuyển.

Hiện, Hạt đang tham mưu cho UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cấp có thẩm quyền có phương án phù hợp theo quy định (di chuyển voi đến nơi có điều kiện phù hợp, nếu không di chuyển được, cần có biện pháp phòng tránh, hỗ trợ về thiệt hại do voi gây ra) vừa đảm bảo tính bảo tồn và đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng.

Trước sự việc này, rất mong các bộ, ngành sớm có biện pháp xử lý, các ngành chức năng liên quan cùng vào cuộc, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, để bà con yên tâm lao động sản xuất.

 

 

 

 

Thủy Ngân/ Báo Sơn La

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân