Hotline:
Banner
Tin Nóng

Cà Mau: Ổn định cuộc sống từ trồng rừng

11 Tháng Tám 2016 9:57:50 SA

Moitruong24h - Trong những năm gần đây, đời sống của người dân giao khoán đất rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có bước khởi sắc do hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại. Từ đó, người dân ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc trồng và bảo vệ rừng.

Năm 1989, ông Nguyễn Cao Cường, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, nhận trên 37 ha đất từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng để trồng rừng và nuôi hải sản dưới tán rừng. Những năm đầu rừng chưa đem lại giá trị kinh tế, khiến đời sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc bán lâm sản từ gỗ đước, hộ dân nhận khoán đất rừng còn thả nuôi thêm vọp, ốc len dưới tán rừng đước thu nhập cao.        Ảnh: CHÍ HIỂU

Nhớ lại cuộc sống trước đây, ông Cường bùi ngùi: “Gia đình tôi bấy giờ rất khổ cực do không có tư liệu sản xuất, làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Các con tôi đều học giỏi nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn, vì muốn phụ giúp gia đình các con tôi lần lượt nghỉ học”.

Ðôi lúc, vì quá cơ cực mà nhiều lần ông Cường có ý định chuyển giao khoán đất cho hộ khác nhưng cái duyên, cái nghiệp cuộc đời ông gắn với nghề rừng nên ông đã cố gắng vượt qua  bằng cách hằng ngày bắt ốc len, ba khía, vọp bán lấy tiền trang trải để dồn sức trồng cây, bảo vệ rừng.

Ðến năm 2001, khi Nhà nước cho phép khai thác rừng đối với những hộ dân được nhận khoán rừng, lại đúng khi giá trị cây rừng tăng lên. Nhờ rừng mà mỗi lần khai thác gia đình ông Cường thu về vài chục triệu đồng. Giờ đây cuộc sống của gia đình khấm khá hơn, đồ đạc trong gia đình được sắm sửa đầy đủ. Mới đây, ông Cường còn mua máy phát điện để thắp sáng trong nhà. Có ăn, có mặc, ông Cường càng vững niềm tin và quyết tâm bám rừng.

Tạo điều kiện cho các gia đình nhận đất rừng yên tâm, gắn bó lâu dài với rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng để người dân được hưởng 80% lợi nhuận từ việc khai thác rừng. Với hình thức ăn chia theo sản phẩm sau khi khai thác, đã giúp người nhận đất như ông Cường có thêm động lực, phấn khởi, quyết tâm gắn bó với rừng.

Ông Lý Văn Nhiệp, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, là người đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng. Cách đây 20 năm, vốn là người nông dân chân lắm tay bùn, cuộc sống của gia đình chỉ bấu víu vào con tôm nên ông Nhiệp đã thu hẹp diện tích rừng để nuôi tôm.

Nhưng hiện nay, con tôm không còn là nguồn thu chính khi sản lượng ngày càng giảm, thời tiết khắc nghiệt, nuôi tôm rủi ro cao, hiệu quả kinh tế thấp. Ông suy ngẫm bài toán kinh tế giữa nuôi tôm và trồng rừng thì trồng rừng vẫn chiếm ưu thế, bởi không tốn tiền giống, chủ yếu lấy công làm lời, đặc biệt trong những năm trở lại đây giá trị rừng tăng lên.

Ông Nhiệp có trên 8 ha đất vuông, ông trồng đước hết, chỉ chừa lại khoảng trống lối đi. Tận dụng mặt nước dưới tán rừng, ông thả tôm, cua và sò huyết, mỗi con nước ông thu về từ 5-6 triệu đồng. Cách đây 6 năm, gia đình ông Nhiệp đã khai thác rừng được một lần, thu về trên 1 tỷ đồng.

Ðể duy trì diện tích rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động giúp người dân thấy được lợi ích, hiệu quả từ việc trồng rừng. Từ đó, người dân càng ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng, đảm bảo diện tích cây rừng ngày càng mở rộng.

Trồng rừng không chỉ bảo vệ môi trường mà giờ đây trồng rừng còn mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân khi giá cây đước tăng. Rừng không chỉ cho giá trị kinh tế mà còn giúp nông dân phát triển thêm nghề nuôi tôm, cua dưới tán rừng tăng thu nhập.

Theo ông Trần Thanh Nhàn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, năm 2016, diện tích khai thác rừng hơn 122,9 ha và doanh thu trên 12 tỷ đồng. Với lợi nhuận của cây rừng mang lại, các chủ rừng được hưởng trên 2,5 tỷ đồng. Ðây được xem là dấu hiệu khởi sắc cho người dân trồng rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển./.

 

 

 

 

Hồng My/ Báo Cà Mau

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân