Moitruong24h - Công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản đã được triển khai hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Cirum), giao đất giao rừng sẽ hiệu quả hơn nếu nhận thức đầy đủ hình thức quản lý theo cộng đồng gắn với văn hóa, tập tục các dân tộc thiểu số.
Ghi nhận từ thực tiễn...
Theo ông Phan Đình Nhã, Trung tâm Cirum, từ thực tiễn thực hiện công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản hơn 10 năm qua, tại nhiều địa phương, có những thôn bản được giao các khu rừng tâm linh tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước và rừng khai thác sản phẩm chung (trong ranh giới truyền thống) đã tổ chức quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, đồng thời phát huy được tiềm năng kinh tế từ rừng. Một số thôn bản được giao các loại rừng này và quản lý hiệu quả như 13 thôn bản ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát - tỉnh Lào Cai (600ha), Buôn Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum (30ha), Bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An (426ha)…
Rừng cộng đồng Pỏm Om xã Hạnh Dịch, Quế Phong, Nghệ An Ảnh: Chi Châu
Tuy nhiên, tại một địa phương, công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư chưa được như mong đợi, thậm chí có nơi rừng bị chặt phá, chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguyên nhân là khi tổ chức giao đất giao rừng đơn vị thực thi chưa nhận thức đầy đủ và hiểu rõ hình thức quản lý rừng của các dân tộc, dẫn đến tình trạng giao đất giao rừng không phù hợp với phong tục tập quán quản lý rừng truyền thống. Ví dụ, có những nơi đã giao các khu rừng quản lý chung của thôn bản cho hộ gia đình gây bức xúc trong cộng đồng (do chồng chéo quyền quản lý giữa cộng đồng và các hộ được giao).
Hoặc có nơi đã giao khu rừng luân phiên rẫy - rừng (theo quy ước là do hộ quản lý sử dụng) cho cộng đồng thôn bản, nên sau khi giao các hộ vẫn coi như của mình và tiếp tục phát nương làm rẫy. Đồng thời, có nơi đã giao các khu rừng nằm ngoài ranh giới của thôn bản, dẫn đến quản lý bảo vệ rừng không hiểu quả. Do cộng đồng được giao rừng không dám bảo vệ vì trước đó khu rừng này thuộc quyền quản lý của thôn bản bên cạnh. Hoặc khu rừng được giao quá xa khu dân cư, xa khu sản xuất không thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng của cộng đồng.
Cần hiểu rộng hơn về khái niệm cộng đồng
Nhận thức được vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, từ năm 2003 chủ thể của hình thức quản lý rừng theo cộng đồng thôn bản được chính thức công nhận tại Luật Đất đai 2003, 2013 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Tuy nhiên, khái niệm đối tượng được giao rừng (chủ rừng) là “cộng đồng” quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các văn bản dưới Luật chưa phản ánh đầy đủ bản chất chủ rừng và chưa làm rõ phương thức tổ chức quản lý rừng theo phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách liên quan đến rừng cộng đồng đã có những nhận thức chưa đúng về chủ rừng cũng như phương thức tổ chức quản lý rừng của các thôn bản. Điều này, trở thành nhân tố gây trở ngại đến quyền tiếp cận quản lý rừng và làm giảm hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.
Vì vậy, để có cơ sở sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, liên quan đến chủ rừng là “cộng đồng”, trước hết cần có nhận thức đúng và đầy đủ về chủ rừng cũng như hình thức tổ chức quản lý rừng theo cộng đồng của các dân tộc. Cụ thể:
Chủ rừng của hình thức quản lý rừng theo cộng đồng: Thôn bản có thiết chế tổ chức quản lý xã hội theo hình thức tự quản, đứng đầu là già làng/hội đồng già làng hoặc trưởng thôn bản/chủ làng do cộng đồng bầu hoặc thừa kế và quản lý bảo vệ rừng theo quy ước/hương ước bất thành văn (hay còn gọi là luật tục). Các chủ rừng có thiết chế tổ chức quản lý xã hội, quản lý rừng theo cơ chế tự quản gồm có chủ rừng là “Thôn bản” theo quản lý nhà nước; chủ rừng là “Cụm dân cư độc lập” hình thành do cụm dân cư tách ra từ thôn bản cũ, hoặc cụm dân cư là làng/buôn làng truyền thống trước đây được gộp thành 1 thôn bản theo chương trình định canh định cư của Nhà nước; chủ rừng là “Dòng tộc/Dòng họ” (thực chất là cụm dân cư, vì các hộ trong dòng họ thường ở cạnh nhau); Chủ rừng là “Nhóm thôn bản/hay liên thôn bản” của cùng dân tộc có rừng chung.
Hình thức tổ chức quản lý: Thôn bản dân tộc thiểu số đều có ranh giới tự nhiên (đất đai, rừng, nguồn nước) hình thành từ khi thành lập thôn bản và phân định rõ ràng với các thôn bản xung quanh. Tài nguyên tự nhiên trong ranh giới truyền thống của cộng đồng thôn bản thuộc quyền sở hữu/quyền quản lý của thôn bản và bất khả xâm phạm đối với người bên ngoài. Tài nguyên rừng, đất đai của thôn bản được quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy ước, hương ước bất thành văn của cộng đồng (hay còn gọi là luật tục) và được phân chia thành hai vùng: Vùng quản lý sử dụng chung của cả thôn bản và vùng giao quyền cho các hộ được phép sử dụng phát triển kinh tế, sinh kế (khu vực luân phiên làm nương rẫy - rừng). Rừng quản lý sử dụng chung của các thôn bản thường có các loại rừng: Rừng tâm linh tín ngưỡng là rừng cấm và bảo vệ nghiêm ngặt như rừng đặc dụng; Rừng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ buôn làng được bảo vệ tương đương như rừng phòng hộ; Rừng khai thác sản phẩm chung của thôn bản.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, Giám đốc Trung tâm Cirum Trần Thị Hòa cũng cho rằng, việc giao đất giao rừng tạo điều kiện để cộng đồng thôn bản tổ chức quản lý rừng truyền thống dựa vào phong tục tập quán (luật tục) sẽ phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa của các dân tộc trong công tác bảo vệ rừng, làm nền tảng cơ bản gắn kết cộng đồng để ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Chi Châu/ daibieunhandan.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân