Moitruong24h- Vụ hơn 800 sản phẩm vật tư thủy sản được cấp khống, lưu hành trên thị trường đã khiến hàng triệu nông dân nuôi trồng thủy sản trong cả nước hoang mang...
Vụ hơn 800 sản phẩm vật tư thủy sản được cấp khống, lưu hành trên thị trường đã khiến hàng triệu nông dân nuôi trồng thủy sản trong cả nước hoang mang, lo lắng, thậm chí điêu đứng. Trong khi hồ sơ vụ việc được chuyển sang Bộ Công an để điều tra, xử lý thì một dấu hỏi lớn đặt ra là các sản phẩm được các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đang sử dụng liệu có an toàn, có bảo đảm hay sẽ gây thiệt hại lớn?
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, xử lý
Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) xem xét, kiểm định và cấp giấy phép chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho lưu hành. Thế nhưng, từ năm 2013 - 2015, hơn 800 sản phẩm dù không hề được kiểm định chất lượng nhưng vẫn có mặt trong danh sách chính thức các sản phẩm được phép lưu hành hợp pháp.
Người nông dân nuôi trồng thủy sản trên cả nước thấp thỏm lo âu về chất lượng các sản phẩm vật tư thủy sản.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, trong tổng số 802 sản phẩm được đưa vào danh mục được phép lưu hành trái pháp luật, có 347 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành; 157 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường; 210 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam; 88 sản phẩm còn lại đến nay vẫn chưa xác định được tình trạng lưu hành (do các công ty có các sản phẩm này không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ, số điện thoại liên hệ). Tổng cục Thủy sản đang tiếp tục làm rõ thông tin thực tế lưu hành đối với 88 sản phẩm này. Tổng cục Thủy sản đã xem xét và áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với các công chức, viên chức vi phạm. Hiện tại, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang tiếp tục điều tra về vụ việc, đồng thời Bộ NN&PTNT cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý. Tổng cục Thủy sản dự kiến sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT thay đổi cách quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thông qua danh mục như hiện nay bằng việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gắn với quản lý theo hệ thống và chuỗi giá trị sản phẩm...
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, đây là bài học lớn trong việc kiểm soát hoạt động cấp phép công vụ. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xử lý vụ việc này, chậm ngày nào có lỗi ngày đó, bởi hiện nay người dân đang rất nóng lòng muốn biết tên những doanh nghiệp nào, sản phẩm gì liên quan đến vụ việc này để phòng tránh.
Người dân thấp thỏm
Hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 800.000ha, trong đó 690.000ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Sau khi thông tin về việc cấp chứng nhận khống cho hơn 800 sản phẩm của 72 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản được công khai, đã khiến hàng triệu người nông dân nuôi trồng thủy sản trên cả nước thấp thỏm lo âu về chất lượng sản phẩm chăn nuôi đang dùng có an toàn? Nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, với kiểu ghép khống, loại thức ăn không có đạm cũng chứng nhận cho bao nhiêu phần trăm về đạm, rồi vitamin, khoáng chất, kháng sinh... sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và hậu quả là người nuôi trồng thủy sản sẽ phải gánh chịu. Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho biết, dấu hiệu hình sự ở vụ việc trên với “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” (được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009) đã rõ. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm ở các nội dung khác: Có hay không, như cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thậm chí là nhận tiền hối lộ...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng, vụ việc này sẽ gây những tổn thất rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, cho nông, ngư dân, cho nuôi trồng thủy sản. Với người nuôi tôm chẳng hạn, người ta rất cần những vật tư xử lý ao đầm, nguồn nước, nuôi và phát triển giống. Khi vật tư, thức ăn là giả khiến tôm, cá chết thì việc xử lý, nuôi lại tốn kém rất lớn. Cùng đó, thức ăn chăn nuôi thủy sản mà không đảm bảo tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và nhà nhập khẩu sẽ phải siết lại việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhất là các thị trường lớn, việc kiểm soát chất lượng nhập khẩu ngặt nghèo thì những vụ việc như thế này sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản. Từ đây sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của quốc gia. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ và công bố sản phẩm nào đạt chất lượng, sản phẩm nào vi phạm, lấy lại lòng tin cho người dân.
H. Phong - M. Phúc/ Sức khỏe ĐS
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân