Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 1: Công tác dự báo 'có vấn đề'?

29 Tháng Bảy 2016 10:38:54 SA

Moitruong24h - Đó là câu hỏi được nhiều người dân đặt ra về sau khi chứng kiến cơn bão Mirinae (bão số 1) đi qua tàn phá nhiều tình, thành… vừa đi qua để lại.

Thậm chí, nhiều nơi không được “xếp” vào nơi tâm bão chẳng như thủ đô Hà Nội lại chịu ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn về tài sản, vật chất... Cụ thể, theo số liệu thông kê chưa đầy đủ từ Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, bão Mirinae (bão số 1) làm gần 5.500 cây xanh ở Hà Nội bị gãy, đổ. Ảnh hưởng của cơn bão số 1 khiến nhiều cây xanh trên nhiều tuyến phố bị gãy đổ hoàn toàn, nhiều ô tô bị cây đổ đè trúng gây hư hỏng và đến thời điểm hiện tại, duy nhất Hà Nội có thiệt hại về người.

Trước những thiệt hại tương đối lớn về vật chất, hoa màu sau cơn bão số 1 để lại, nhiều câu hỏi được đặt ra là phải chăng nhiều địa phương không có thông tin đầy đủ, mức độ cảnh báo cao hơn nên việc ứng phó thiếu linh hoạt, chủ động là do công tác dự báo "có vấn đề"?

Chiều 28/7, ông Trần Quang Hoài - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, cho biết, bão số 1 đã gây mưa khá lớn, lượng mưa nhiều vùng đạt 200 mm, còn lại phổ biến là 100mm, vùng mưa nhiều nhất là Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định.

Nhiều hồ chứa thủy lợi đã đạt 100% dung tích, trong đó các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên và Quảng Ninh có số lượng hồ chứa đầy nước nhiều nhất, còn 4 hồ chứa thủy điện lượng nước vẫn thấp.


Chiếc xe ô tô bị biến dạng hoàn toàn sau khi bị cây đổ vào

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến cuối ngày 28/7, bão số 1 đã làm thiệt mạng 1 người (Phú Xuyên, Hà Nội), mất tích 1 người (Thanh Hóa), và 8 người bị thương. Bão cũng làm 12 tàu bị chìm (7 tàu ở Nam Định, Hải Phòng 3 tàu và Thanh Hóa 2 tàu). Ngoài ra, 1.426 nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng, chủ yếu ở Hà Nội và Hà Nam sau bão. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng với 196.200 ha diện tích lúa bị ngập úng, 20.794 ha diện tích màu…

Hệ thống điện bị hư hại nghiêm trọng, mất điện trên diện rộng, từ Nam Hải Phòng, Thái Bình toàn bộ tỉnh Nam Định và một phần lớn của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt tại Nam Định, có 1.900 cột điện trung thế và 13.000 cột điện hạ thế bị gãy. Đến tối 28/7, toàn tỉnh Nam Định vẫn gần như tê liệt về điện, mới khắc phục được 45 tuyến/hơn 200 tuyến.


Bão số 1 "càn quét" qua khiến hơn 5.500 cây xanh bị đổ

Một thiệt hại nặng nề nữa là cây xanh ở khu vực các vùng đô thị như Hà Nội, Nam Định. Đáng chú ý, thủ đô Hà Nội có gần 5.500 cây xanh bị gãy, đổ. Nhiều tuyến phố của Hà Nội cây xanh bị gãy đổ hoàn toàn, trong đó rất nhiều cây cổ thụ.

Trả lời câu hỏi về công tác dự báo về cơn bão số 1 chưa đúng với mức độ thực tế, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, các dự bão về cơn bão là kịp thời và chính xác.

“Nhìn chung, các dự báo đều cho thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam vào khoảng chiều tối đến đêm ngày 27/7. Thực tế, khoảng 21-22h ngày 27/7, tâm bão số 1 đã đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nam Định. Sau đó, bão chuyển hướng lên phía tây bắc, hướng về các tỉnh phía tây Bắc Bộ”, ông Cường nói.


Ông Hoàng Đức Cường khẳng định: “Việc dự báo bão, đường đi của bão cũng như cấp độ bão đổ bộ, lượng mưa đều khá sớm và sát”.

Ông Cường nhận định, đây là cơn bão đầu tiên của năm 2016, di chuyển không ổn định, khi vào gần bờ biển Thái Bình – Ninh Bình, bão di chuyển chậm, có thời điểm vài ba giờ hầu như không di chuyển nên gây gió mạnh kéo dài gần như suốt đêm 27/7 cho khu vực này.

“Việc dự báo bão, đường đi của bão cũng như cấp độ bão đổ bộ, lượng mưa đều khá sớm và sát”, ông Hoàng Đức Cường khẳng định.

Về công tác dự báo về cơn bão số 1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, qua theo dõi việc dự báo bão số 1 của ngành khí tượng đưa ra khá sát và sớm. Tuy nhiên, cơn bão diễn biến khó lường, theo ông Cường phải coi đây là bài học cho công tác dự báo lần sau.

 

 

Hải Sơn/VietQ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân