Moitruong24h - Hàng trăm tấn khối lượng đất đá lấp lửng với độ cao hàng trăm mét nằm sát ngay khu vực dân cư. Đáng nói, khu vực này được coi là một trong những địa điểm có nguy cơ sạt lở cao mà ngành than đang tiến hành hoàn nguyên môi trường.
Gồng mình sống trong sợ hãi!
Nhiều năm qua các hộ dân sinh sống ở tổ 9, khu 6, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhất là các cụm dân cư ngay sát khu vực thăm dò khai thác than của công ty TNHH MTV Thăng Long (Công ty Thăng Long), liên tục phải gánh chịu những mối nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống.
Theo các hộ dân sinh sống ở đây cho biết, tháng 7 năm 2015 Công ty Thăng Long đưa nhiều máy móc, thiết bị vào khai thác than tại vỉa 15 thuộc Khe Chàm 1 và đổ thải sát vườn của một số hộ dân.
Khu vực này trước chính công ty Thăng Long đã tiến hành hoàn nguyên môi trường. Song song với việc thăm dò khai thác than, Công ty Thăng Long đã đổ thải đất đá với chiều cao từ 30 – 70m so với đất vườn và nhà của các hộ dân. Khoảng cách chân bãi thải đến một số hộ là chưa đầy 50m và không hề có các biện pháp an toàn, bảo đảm cho hộ dân phía dưới chân bãi thải. Bên cạnh đó, Công ty Thăng Long còn khoan nổ mìn diễn ra thường xuyên, không có thời gian nhất định và cũng không có kế hoạch thông báo để đảm bảo cho người dân xung quanh, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho khu dân cư.
Đất đá trôi sạt xuống nhà dân
Ông Tấn Văn Thạch kể lại thời gian công ty Thăng Long tiến hành hoạt động nổ mìn: “Họ nổ mìn không hề thông báo cho người dân xung quanh. Nhiều hôm tôi đang làm vườn thì họ tiến hành giật mìn, khi nổ đất đá bắn ngay cạnh, rất nguy hiểm”.
Trước tình hình đó, các hộ dân đã liên tục gửi đơn thư kiến nghị lên các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh cũng như Thành phố Cẩm Phả để cầu cứu.
Không ít hộ dân nằm trọn dưới bãi đất đá
Theo đó, ngày 27 tháng 6 năm 2015, UBND Thành phố Cẩm Phả ra văn bản đề nghị Công ty Thăng Long lập phương án cải tạo phục hồi môi trường, xử lý triệt để các nguy cơ sạt lở đất đá thải xuống khu dân cư, tuyệt đối không được khai thác, vận chuyển than trong ranh giới được giao khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đến ngày 24 tháng 7 năm 2015, Tổng Công ty Đông Bắc ban hành Quyết định phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường khu mỏ Đông Bắc Khe Chàm, phường Mông Dương, thời gian thực hiên dự án từ quý 3 năm 2015 đến hết quý 1 năm 2016.
Hiện tại, phương án hoàn nguyên môi trường đã được phê duyệt và công tác hoàn nguyên cũng đã được Công ty Thăng Long thực hiện, thế nhưng theo phản ánh của các hộ dân tổ 9 khu 6 thì khu vực mà công ty này hoàn nguyên nguy cơ sạt lở đất đá xuống khu dân cư là rất cao. Hơn nữa bãi thải đổ đất đá để hoàn nguyên cao hàng trăm mét và chia thành nhiều tầng với mỗi tầng có độ cao rất lớn.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Chi có nhà nằm liền kề ngay sát chân bãi thải hoàn nguyên bức xúc: “Hễ mưa là đất đá trên bãi thải chảy xuống sát nhà nên chúng tôi phải kè chắn để tránh nước mưa xối xuống. Nhưng tình hình này không chắc bức tường chắn chịu được sức nước cùng đất đá trên bãi thải bao lâu. Trận mưa lớn năm ngoái cống ở chân bãi hoàn nguyên đã vỡ đất đá trên khu vực thăm giò than ập xuống khu vực dân bên dưới. Con kênh thoát nước duy nhất của tổ ra sông Mông Dương cũng bị đất đá bồi lấp gần hết. Giờ nếu có trận mưa to kéo dài thì đất đá được đổ cao để hoàn nguyên có thể ập xuống dân không biết lúc nào”.
Người dân bức xúc khi chân bãi thải nằm sát ngay khu dân cư
Theo quan sát của phóng viên, khu vực mà Công ty Thăng Long thực hiện hoàn nguyên chân bãi đất đá cách khu vực dân cư bên dưới rất gần. Nhiều chỗ đất đá trên bãi bị nước cuốn trôi xuống sát nhà dân. Bãi đất đá hoàn nguyên được cắt thành năm tầng, mỗi tầng có độ cao ít nhất cũng hàng chục mét trở lên.
Ông Chi nói trong lo sợ: “Bao nhiêu nước trên khu vực bãi hoàn nguyên đều dốc hết xuống con mương, nếu mưa lớn con mương sẽ không chảy kịp. Nguy hiểm hơn dưới chân bãi thải không hề được kè chắn chắc chắn, chỉ có khu vực cống thoát nước chân bãi thải thì được kè một lớp rọ đá hộc thôi. Mỗi tầng bãi không hề có đê và rãnh thoát nước, mưa to không ai giám chắc sẽ an toàn”.
Ông Chi cho biết thêm: “Trước kia khu vực này đã hoàn nguyên một lần, khối lượng đất đá lúc đó được cắt làm ba tầng, khoảng cách từ chân bãi còn cách xa khu vực dân cư. Nhưng năm ngoái công ty lại tiếp tục đổ đất đá trùm lên, đến đầu năm nay mới ngừng đổ”.
Trước tình cảnh có nguy cơ sạt lở, người dân có ý định xây dựng kè chắn, thế nhưng việc này không được cho phép của cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Hợi nói trong bức xúc: “ Không ai giám kè chắn hay xây dựng gì trên chính mảnh đất của nhà mình, nếu làm thì phường sẽ xử lý. Mỗi một trân mưa đất đá trên bãi theo nước trôi xuống nhà dân, rất nguy hiểm. Khu vực này mà không cho kè chắn thì mưa không biết sẽ ra sao khi mà bãi thải liền kề và cao hơn dân cư đang ở”.
Chân bãi ngổn ngang đất đá
Được biết các hộ dân sinh sống ở khu này chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cây ăn quả. Ông Vũ Quang Mỳ, người có hơn hai mươi năm trồng cam ở đây cho hay: “Nguồn nước tưới nếu mà lấy trực tiếp ở con mương lên tưới cho cây thì chỉ vài tháng sau cây tự nhiên chết khô. Trước kia nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, từ ngày đổ bãi thải thì nước có dấu hiệu ô nhiễm, dân ở đây gọi là nước xít chảy từ trên bãi thải than ra. Mùa đông nước con mương đóng thành từng váng dày nổi trên mặt, không ai dám bơm lên để tưới cho cây. Nước giếng ở đây có mùi rất tanh, bơm lên vàng khè lại”.
Để giảm thiểu độc tố có trong nước ông Mỳ cùng các hộ dân khác phải xây dựng các bể lọc. Nước được bơm từ con mương lên lọc qua nhiều lọc sau đó mới tưới cho cây.
“Bà con lo một lãnh đạo địa phương lo mười”
Các hộ dân sinh sống quanh khu vự chân bãi thải hoàn nguyên của công ty Thăng Long đều chung một nỗi lo liệu mùa mưa bãi thải có an toàn? Ai dám chắc việc hoàn nguyên đã đảm bảo? Ngay đến việc có được di dời hay vẫn ở dân không một ai biết.
Người dân bức xúc khi đất đá chặn dòng chảy con kênh thoát nước
Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch phường Mông Dương ông Phạm Ngọc Lự cho biết: “Bà con lo một lãnh đạo địa phương lo mười. Mưa là chúng tôi đều cắt cử người vào đó theo dõi, nếu có vấn đề gì kịp thời báo cáo đưa ra phương án cụ thể. Đến giờ phút này cơ bản vẫn an toàn”.
Liên quan đến độ an toàn của bãi hoàn nguyên, cùng việc thông báo quyết định nghiêm cấm hoạt động cải tạo, cơi nới, kè chắn trên địa bàn tổ 9 khu 6 của phường ông Lự cho biết thêm: “Tôi đảm bảo trận mưa to nhất cũng không có gì xảy ra, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì. Tất cả các hoạt động kè chắn, cơi nới khi chưa được phép của địa phương là không được phép, nếu làm như vậy là mang tính chuộc lợi”.
Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cẩm Phả, ông Hoàng Văn Bốn cho biết: “Hiện tại Công ty Thăng Long vẫn chưa hoàn thành xong việc hoàn nguyên môi trường theo đề án được giao tại địa bàn tổ 9, khu 6, phường Mông Dương và vẫn đang tiến hành hoàn nguyên. Phương án hoàn nguyên đều có quy định theo tọa độ ranh giới cụ thể. Khu vực hoàn nguyên bao giờ cũng ảnh hưởng tới môi trường nhất là các bãi thải tác động đến cuộc sống người dân”.
Có thể thấy rằng, vấn đề hoàn nguyên môi trường sau quá trình khai thác than luôn là một thử thách khó khăn đặt ra đối với tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng không phải vì thế mà lơ là hay lỏng lẻo trong việc giám sát, kiểm định chất lượng các bãi thải hoàn nguyên môi trường. Và đừng để tình trạng nhãn tiền như “mất bò mới lo làm chuồng”?
Thiên Bình – Viết Phú
Nguồn: Gia Đình VN
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân