Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thách thức đón chờ tân Thủ tướng Anh

13 Tháng Bảy 2016 3:32:03 CH

Moitruong24h - Hôm nay, 13/7, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ chủ trì cuộc họp nội các cuối cùng trong nhiệm kỳ, mở đường cho tân Thủ tướng Theresa May lên nắm quyền. Trong bối cảnh nước Anh đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Brexit (Anh rời EU), vị Thủ tướng mới của nước Anh sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ chông gai.

Thành lập nội các mới

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Theresa May sẽ phải bắt tay ngay vào việc thành lập một chính phủ mới. Bà đã bắt đầu các cuộc đối thoại với các quan chức cấp cao và thành viên thân tín về các vị trí hàng đầu trong nội các. Ưu tiên số 1 là bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính. Một số nguồn tin cho rằng, Ngoại trưởng Philip Hammond có thể sẽ chuyển sang đảm nhiệm cương vị này. Trong khi đó, khoảng trống mà bà Theresa May để lại ở Bộ Nội vụ có thể sẽ được thay thế bởi Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon hoặc ông Chris Grayling, người chỉ huy chiến dịch tranh cử của bà May. 

Brexit

Bà May vốn thuộc phe lựa chọn nước Anh ở lại EU. Tuy nhiên, sau khi đa phần các cử tri nước này muốn rời EU, bà có lập trường cứng rắn: một khi người dân đã chọn Brexit có nghĩa là Anh sẽ rời EU. Ông David Cameron từng nói rằng, trách nhiệm kích hoạt “Điều 50” sẽ được trao cho người kế nhiệm. Vì vậy, bà May gánh trọng trách quyết định chính xác xem thời điểm nào là hợp lý để thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ như thế này. Cùng với nhiều quan chức khác trong chính phủ, bà sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán căng thẳng về các điều khoản để nước Anh rời EU với mục tiêu “đảm bảo những thỏa thuận có lợi nhất cho nước Anh về thương mại, hàng hóa và dịch vụ” như bà từng khẳng định. Một trong những thách thức lớn trong các cuộc đàm phán sẽ là vấn đề đi lại tự do trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, EU không dễ nhượng bộ về việc này nếu nước Anh muốn tiếp cận đầy đủ thị trường chung của khu vực.


Sau khi ông David Cameron từ chức, trọng trách được đặt lên vai Thủ tướng kế nhiệm Theresa May.

Vấn đề nhập cư

Trong tháng 5 vừa qua, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh cho biết, số lượng người nhập cư vào nước Anh đạt 333.000 người, mức cao thứ 2 trong lịch sử. Trong đó, 184.000 người tới từ các quốc gia thuộc EU. Sau khi nhậm chức, bà May sẽ chịu nhiều áp lực trong việc giảm bớt lượng người nhập cư vào nước Anh, dù mục tiêu này khó trở thành hiện thực trong ngắn hạn.

Đoàn kết nước Anh

Sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, nước Anh đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Những khác biệt về tôn giáo, xã hội và thế hệ được bộc lộ sâu sắc. Ngay cả nội bộ đảng Bảo thủ của bà cũng lục đục với những quan điểm trái chiều. Nhiệm vụ chông gai của bà May là khôi phục tinh thần đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hậu Brexit. Trong một bài phát biểu trước khi trở thành tân thủ tướng, bà nói: "Có một công việc lớn trước mắt chúng ta: đoàn kết đảng và đất nước, để đàm phán các thỏa thuận tốt nhất có thể khi chúng ta rời khỏi EU. Tôi là ứng viên duy nhất có khả năng cung cấp ba điều này nếu tôi là Thủ tướng”.

Bảo vệ nền kinh tế

Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đã ngay lập tức có tác động rõ rệt tới nền kinh tế Anh. Đồng bảng Anh đã trượt dốc không phanh xuống mức thấp nhất 31 năm, khiến giá trị tài sản sụt giảm trong khi giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Thị trường chứng khoán ngập chìm trong sắc đỏ. Thị trường bất động sản cũng chao đảo. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Anh đã cam kết sẵn sàng bơm tiền để hỗ trợ thị trường tài chính, nhưng các ngân hàng nước này vẫn phải đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng. Các nhà kinh tế học cảnh báo sau Brexit, kinh tế Anh bước vào một thời kỳ đầy bất ổn và chính phủ mới lên nắm quyền cần phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit đối với nền kinh tế.
Bình Minh

 

 

Bình Minh/Hà Nội Mới

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân