Hotline:
Banner
Tin Nóng

Những món ăn Việt được công nhận giá trị ẩm thực châu Á (Phần 1)

28 Tháng Bảy 2016 11:40:07 SA

Moitruong24h - Phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò Huế, bánh khọt Vũng Tàu, phở khô Gia Lai... Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á.


Danh sách 12 món được công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á gồm:

1. Phở Hà Nội

Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng, được phối hợp từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau, kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai.

Thành phần chính của phở là bánh phở, nước dùng cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.

Món phở Hà Nội trước đó cũng được hãng thông tấn CNN xếp thứ 28 trong 50 món ngon thế giới.

Hầu hết những du khách đặt chân đến Hà Nội đều thưởng thức Phở. Phở đã trở thành món ăn đặc trưng của Thủ đô.

 

2. Bún chả Hà Nội

Bún chả được mệnh danh như một thứ “quà” đặc sản mà người Hà Nội gửi đến các vùng miền khác của Việt Nam.

Chả được tạo thành từ thịt ba chỉ hoặc nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô đem nướng thành miếng chả viên và chả dẹt cho vào chén nước chấm. Nước chấm được pha chế từ nước mắm, đường, giấm, ớt, cho thêm vào đu đủ và cà rốt ngâm chua ngọt.

Khi ăn sắp bún tươi bên dưới, bên trên là đu đủ, cà rốt, chả miếng, chả băm vào tô, kèm theo các loại rau thơm của miền Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế. Sau đó chan nước chấm lên, có thể thêm ớt, tiêu tùy thích.

Bún chả là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội và mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt không nơi đâu có được, cũng không nơi nào ngon được như ăn bún chả ở Hà Nội.

 

3. Bún thang Hà Nội

Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ, công phu. Nước dùng nấu từ nước luộc gà, xương lợn, cùng với tôm khô. Trứng tráng thật mỏng thái nhỏ. Giò lụa thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín xé nhỏ. Bên cạnh còn có ruốc tôm tơi như bông nên còn gọi là ruốc bông, củ cải khô, nấm hương…

Cho bún tươi vào tô, đặt thịt gà, trứng tráng, giò lụa… vào một góc trên mặt tô. Thêm ít rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, điểm thêm chút hương cà cuống để tăng thêm hương vị cho món bún thang.

Bún thang đã góp mặt trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ rất sớm. Sự ra đời của nó bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thủ đô xưa. Bún thang luôn nằm trong cẩm nang du lịch của bất kỳ du khách nào khi đến với Thủ đô.

 

4. Bánh đa cua Hải Phòng

Tô bánh đa cua ngon phải hội tụ đủ 5 màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.

Nước dùng từ xương hầm và nước cua đồng đã gạt hết bọt. Nổi phía trên nước dùng trong suốt là gạch cua nâu hồng, xôm xốp, miếng chả lá lốt xanh đậm, những mảy hành khô vàng rộm, giòn tan, những cọng rau, hành tươi xanh nõn. Tất cả hòa quyện nên hương vị riêng, khó quên cùa vùng đất cảng.

Bánh đa cua, một món ăn bình dị dường như đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Hải Phòng, và trở thành một món quà sáng hấp dẫn, một món ăn chơi cho cả bữa trưa, bữa tối. Khách du lịch cũng biết đên Hải Phòng qua món bánh đa cua cũng rất nhiều. Bánh đa cua Hải Phòng mang đậm dư vị truyền thống mà không nơi đâu có được.

 

5. Cơm cháy Ninh Bình

Để có món cơm cháy thơm ngon, gạo được nấu lên sao cho thật vừa nước, đủ dộ dẻo thành cơm. Khi cơm chín tới phải nhanh tay lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi, rồi tiếp tục đun, lúc này phải canh cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Những miếng cháy được lấy ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi 2-3 nắng (hoặc sấy) cho thật khô, tránh ẩm mốc.

Khi thưởng thức cơm sẽ được chiên giòn. Nước sốt ăn kèm cơm cháy thường được làm từ thịt dê hay bò, tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt, cà chua… tạo nên sự kết hợp độc đáo cho món đặc sản cơm cháy Ninh Bình.

Cơm cháy trông đơn sơ giản dị thế nhưng có sức hấp dẫn làm xao xuyến bất cứ thực khách nào khi đến Ninh Bình. Nó còn là một đặc sản, món quà gửi gắm cả tấm lòng của người dân cùng hương vị của mảnh đất này đến bạn bè và du khách gần xa.

 

 6. Miến lươn Nghệ An

Miến - một loại sợi được chiết xuất từ tinh bột dong nguyên chất - sau khi rửa sạch, trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn màu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào tô.

Có hai loại: Miến khô là thịt lươn được chiên giòn rồi xào kỹ với miến; còn miến mềm là miến nước (ninh từ xương ống lợn, xương lươn giã nát) trộn với thịt lươn hấp. Sợi miến trong, dai và giòn, không nát, thịt lươn tươi và ướp kỹ nên không thấy mùi tanh, rắc thêm ít rau răm và tương ớt lên trên.

Riêng với món miến lươn xào, có thể là món nhâm nhi cùng với rượu quê rất "vào". Miến lươn Nghệ An còn được coi như là một sự kết hợp ẩm thực mang phong vị miền Trung và Bắc Hà, do sợi miến đồng hành trong các món ẩm thực xưa nay thực đa dạng và phong phú chỉ ở phía Bắc.

 

 

 

Thi Vân/VnExpress

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân