Hotline:
Banner
Tin Nóng

Khốn khổ làng quê cứ ra đường là bịt mũi

31 Tháng Bảy 2016 11:24:00 SA

Moitruong24h - Chất thải cùng khói bụi từ các nhà máy chế biến tinh bột cá trên địa bàn xả ra khiến dòng sông bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Người dân lo lắng đến tình hình sức khỏe của mình nhưng bất lực, nhiều lần kiến nghị, cầu cứu khắp nơi nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nặng thêm. Người dân nơi đây cứ ra đường là phải bịt mũi.


Ông Bốn lo lắng trước thực trạng dòng sông bị ô nhiễm ngày một trầm trọng.

Bán nhà vì… mùi!

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra suốt nhiều năm qua mà không được giải quyết đã khiến cho hàng trăm hộ dân xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) sống trong lo lắng. Từ đầu đường vào xã, một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ dòng sông vốn trong xanh, là nơi sinh hoạt của người dân địa phương. Cùng với đó là mùi hôi tanh của các loại cá, mắm được người dân phơi trên đường.

Chỉ tay vào dòng sông Lạch Vạn, ông Lê Văn Bốn (SN 1955, trú xã Diễn Ngọc) cho biết, dòng sông này dài khoảng 1km, là điểm cuối của sông Bùng - nơi tiếp giáp giữa sông và biển. Đây là nơi lưu thông, đi lại của hơn 500 tàu thuyền ra vào đánh cá. Trước đây, dòng nước ở con sông này rất xanh sạch, là nơi để người dân địa phương sinh hoạt hằng ngày. Nhưng mấy năm trở lại đây, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, chẳng mấy người còn dám ra đây tắm giặt nữa.

“Cách đây ít năm, dòng sông Lạch Vạn này sạch lắm, xuống tắm mát bình thường. Giờ nói chi đến tắm, đi ngang qua đây, nhất là những ngày trời nắng nóng, ai cũng phải đi vội, dùng khẩu trang để không phải hít phải cái mùi hôi thối này. Nếu không có việc gì để ra đây thì không có ai muốn tới gần cả”, ông Bốn cho biết.

Theo người dân, tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng tại đây đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nguyên nhân là do các nhà máy chế biến tinh bột cá đóng trên địa bàn xả nước thải trực tiếp ra dòng sông khiến con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng này, người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết, trong khi tình trạng ô nhiễm ngày một thêm trầm trọng. Cao điểm trong năm 2015, người dân địa phương đã phải dùng đá chặn các xe chở cá đi vào nhà máy sản xuất để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bà Trần Thị D. (người dân xã Diễn Ngọc cho biết) không chỉ ô nhiễm mà việc các nhà máy chế biến tinh bột cá nằm trong khu dân cư hoạt động hết công suất cả ban đêm, gây tiếng ồn làm mất giấc ngủ, cuộc sống nhiều người dân bị đảo lộn. Do lo lắng cho tình trạng sức khỏe của gia đình, nhất là trẻ nhỏ, một số người dân không chịu nổi tình trạng này đã phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.

Phạt cứ phạt, bẩn vẫn bẩn


Các ống xả thải từ các nhà máy chế biến trên địa bàn được nối thẳng ra dòng sông Lạch Vạn.

Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) được thành lập năm 2008 trên diện tích 2,16 ha. Cùng với đó, xã Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề với bể chứa hơn 400m3. Tuy nhiên, bể chứa được xây dựng quá sâu, không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải sau khi lọc không thoát ra ngoài được mà đọng lại, bốc mùi hôi thối.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, trên địa bàn xã này có khá nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản. Trong đó, có 3 nhà máy với công suất lớn là cơ sở chế biến Hùng Châu, cơ sở chế biến Thiên Tuyến và cơ sở chế biến Ngọc Năm nhiều lần bị người dân phản ánh gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường. Trước những phản ánh của người dân, hàng năm vẫn có nhiều đoàn về kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm và yêu cầu có biện pháp khắc phục.

“Hầu hết các nhà máy chế biến này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn mà chủ yếu chỉ mới được xây dựng hệ thống chứa nước thải thô. Tiếp thu phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý. Sau khi có kết quả kiểm tra, đoàn công tác cũng đã yêu cầu các cơ sở này phải nhanh chóng khắc phục như nâng ống khói xả thải lên cao, trước khi xả ra phải lọc qua nước. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở chế biến phải đầu tư xây dựng hệ thống nước xả thải trước khi thải ra môi trường”, ông Vận cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị Nga, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu cho biết, tình trạng ô nhiễm tại xã Diễn Ngọc đã diễn ra từ lâu, người dân liên tục phản ánh. Chính quyền cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt tuyên truyền các cơ sở nhà máy thay đổi công nghệ xử lý nước thải, khói bụi, thế nhưng đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện được mấy. Các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu là tư nhân nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn có 198 hộ dân tham gia chế biến thủy, hải sản. Trong đó có 3 nhà máy chế biến bột cá: nhà máy chế biến bột cá Ngọc Năm, nhà máy chế biến bột cá Hiền Tuyến, và nhà máy chế biến Hùng Châu với công suất từ 20 – 50 tấn cá/ngày. Xã Diễn Ngọc là xã vùng biển với nhiều tiềm năng đánh bắt, chế biến thủy, hải sản lớn. Nơi đây có Cảng cá Lạch Vạn với hơn 500 tàu thuyền neo đậu, cung cấp hơn 75% sản lượng khai thác hải sản của huyện Diễn Châu.

 

 

 

 

 

Phan Ngọc/ GĐ & XH

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân