Moitruong24h - Đến năm 2030, dân số thế giới sẽ đạt 8,3 tỉ người và cần thêm 50% lương thực, 45% năng lượng, 30% lượng nước. Chỉ có hệ thống kinh tế tuần hoàn mới cứu thế giới khỏi sự cạn kiệt tài nguyên, gia tăng chất thải rắn, ô nhiễm môi trường…
Ông Sebastian Egerton Read, điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur, cho rằng chỉ có hệ thống kinh tế tuần hoàn là tương lai của thế giới. Ảnh: Chính Phong
Tại hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty Dow Chemical tổ chức tại TPHCM ngày 28-7-2016, ông Sebastian Egerton Read, điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur, cho biết nền kinh tế trên thế giới hiện nay chủ yếu là đi theo hệ thống tuyến tính, tức là khai thác tài nguyên – sản xuất, tiêu dùng – thải loại.
Chỉ riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh, toàn cầu sản xuất lượng hàng có giá trị 3.200 tỉ đô la Mỹ thì 2.700 tỉ đô la Mỹ mất đi dưới dạng chất thải. Do vậy, các quốc gia cần phải nhanh chóng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế để có thể phát triển bền vững.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, hiện mỗi ngày phát sinh ra 31.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị, 85% số đó được thu gom; 14.200 tấn phát sinh ở khu vực nông thôn, 40-50% số đó được thu gom. Toàn quốc có 660 bãi chôn lấp chất thải, trong đó chỉ có 35 dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất 6.500 tấn/ngày, chủ yếu sản xuất ra phân vi sinh.
Dự đoán của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đến năm 2025, tổng khối lượng chất thải rắn trên cả nước lên tới 91 triệu tấn, nghĩa là mỗi năm, trung bình mỗi người sẽ thải ra khoảng 1 tấn chất thải rắn (nếu giả định dân số nước ta khi đó vẫn khoảng hơn 90 triệu người).
Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2025, 100% chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải công nghiệp và y tế được thu gom, trong đó 85% chất thải đô thị và 90% chất thải xây dựng phải được tái chế.
Với trình độ của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện tại, mục tiêu đặt ra trong chiến lược kể trên là quá cao. Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam chưa có công nghiệp tái chế và để hình thành nó thì vấp phải rất nhiều khó khăn. Hiện tại, phần lớn lượng chất thải được tái chế tại các làng nghề và mới chỉ tập trung vào một số kim loại phổ biến cùng với giấy và nhựa. Quy mô của các cơ sở tái chế còn nhỏ, đa số là các hộ sản xuất cá thể nên thiết bị máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, cho ra những sản phẩm tái chế chất lượng không tốt, tham gia vào việc gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chính sức khỏe của những người tham gia làm việc này.
Khảo sát từ các tổ chức quốc tế tại các làng nghề tái chế ở Việt Nam cho thấy nồng độ chì và thiếc trong tóc, nồng độ các hóa chất độc hại PCB và BFR trong sữa mẹ tại các làng nghề tháo dỡ chất thải điện tử cao hơn người không làm nghề này nhiều lần.
Theo Liên hiệp quốc, đến năm 2030, dân số thế giới sẽ đạt 8,3 tỉ người và cần thêm 50% lương thực, 45% năng lượng, 30% lượng nước. Ông Read cho rằng chỉ có hệ thống kinh tế tuần hoàn mới cứu thế giới khỏi sự cạn kiệt tài nguyên, gia tăng chất thải rắn, ô nhiễm môi trường trong bối cảnh dân số ra tăng, đất đai canh tác bị thu hẹp và liên tiếp những thảm họa thiên nhiên xảy đến do biến đổi khí hậu.
Nguyên lý của kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, theo ông Sasama Tomoyuki, Tổng giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam.
“Trước đây, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Ngày nay, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và đó là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc, quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn”, ông Sasama Tomoyuki nói. Theo Quỹ Ellen MacArthur, các chuỗi cung ứng tuần hoàn mà tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể tạo ra hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ/năm vào năm 2025.
Hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, nhân lực và khả năng đổi mới, làm thế nào để họ có thể áp dụng nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn, được coi là tương lai của thế giới?
Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải, trước mắt thì Việt Nam phải xây dựng một nền công nghiệp tái chế, tập trung phát triển các doanh nghiệp tái chế lớn, chính quy hóa các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, tăng cường gắn kết các cơ sở tái chế với các đơn vị làm công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng một khung pháp lý phù hợp để giám sát sản xuất, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, có các chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế.
Chính Phong/Thời báo kinh tế Sài Gòn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân