Moitruong24h - Bức tranh khai khoáng Việt Nam đã được vẽ nên với nhiều mảng màu như tham nhũng, trốn thuế, quản lý nguồn thu thiếu hiệu quả và gây các tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội. Để trở nên tươi sáng hơn, ngành khai khoáng cần minh bạch hóa hơn nữa.
Ảnh minh họa
Khai thác nhiều, nộp ngân sách hạn chế
Theo số liệu điều tra địa chất, Việt Nam phát hiện được 5.000 mỏ, điểm mỏ. Trong hơn hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khoáng sản của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng về mặt quy mô. Việt Nam hiện đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% vào tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới vào năm 2012.
Theo Bộ TN&MT, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng lớn vào năm 2013.
Tuy nhiên, khoáng sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó rõ nhất là việc nhiều loại khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí ở Việt Nam là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì-kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.
Do công nghệ lạc hậu, tổn thất trong khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam rất cao, khoảng 40-60% đối với khai thác than hầm lò, 26-43% đối với quặng apatit, 15-30% đối với quặng kim loại và 15-20% đối với vật liệu xây dựng.
Mặc dù được khai thác với quy mô lớn, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản rất hạn chế. “Thất thu ngân sách trong khai thác khoáng sản hiện nay là rất lớn khi các nguồn thu chính đều dựa và sản lượng do danh nghiệp tự kê khai và hiện vẫn chưa có cơ chế giám sát hiệu quả”- ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết.
Minh bạch hóa chuỗi quy trình
Minh bạch hóa là “chìa khóa” để Việt Nam khắc phục những bất cập nêu trên. Song vấn đề là minh bạch như thế nào và đến đâu.
Rõ ràng, sự ra đời của Luật Khoáng sản 2010 với nhiều điểm mới quan trọng đã tạo tiền đề để hoạt động khai thác khoáng sản Việt Nam minh bạch hơn, khi nó đem lại “sân chơi” có sự canh tranh công bằng trong hoạt động khai khoáng. Từ đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có “Tâm” và “Tầm” tham gia, hoạt động khai thác tài nguyên sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn, hạn chế cơ chế “xin – cho”, góp phần phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản do các yêu cầu cao hơn về tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá.
Thế nhưng, đây mới chỉ là nỗ lực từ phía Chính phủ, và nó là “bộ khung” cơ bản cho một hoạch định chấn chỉnh lại ngành khai khoáng vốn còn yếu kém. Minh bạch, phải từ chính sách đến thực tiễn. Minh bạch phải được thực hiện ở tất cả các khâu: từ cấp phép, giám sát khai thác đến quản lý nguồn thu.
Một công cụ được đưa ra có thể giúp Việt Nam minh bạch hóa chuỗi quy trình này là tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Đây là một sáng kiến công khai thông tin giữa cả nhà quản lý và doanh nghiệp, liên quan đến lĩnh vực khai thác gồm: cấp phép, dữ liệu sản xuất, doanh nghiệp nhà nước, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương, quản lý nguồn thu và tác động xã hội.
EITI được đánh giá là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất, đặc biệt là giảm thất thu ngân sách. Kinh nghiệm từ Nigieria cho thấy, quốc gia này đã tránh thất thu 1 tỷ USD trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực thi EITI. Đã có 49 quốc gia đang thực thi EITI trên toàn thế giới. Theo rà soát đánh giá của nhóm chuyên gia độc lập, Việt Nam hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc thực thi EITI về cả năng lực và chính sách.
T.Minh/monre.gov.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân