Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hậu quả nặng nề từ bão số 1, do đâu?

30 Tháng Bảy 2016 10:58:30 SA

Moitruong24h - Chuyển giao nhiệm kỳ nên nhiều người đảm nhiệm công tác phòng, chống thiên tai chưa có kinh nghiệm; truyền hình quốc gia đưa tin về bão số 1 thời lượng ít.

Cơn bão đầu mùa tràn qua các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ làm ba người chết và mất tích, 10 người bị thương. Bão cũng làm gãy đổ hơn 17.000 cột điện, hệ thống điện của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình bị tê liệt. Bão cũng gây ngập, hư hại hơn 250.000 ha lúa, rau màu của dân…

Riêng tại Hà Nội có hơn 15.000 cây xanh gãy đổ, tập trung tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… Có 11 ô tô đang lưu thông trên đường và đỗ gần cây bị đè bẹp.

Người dân và chính quyền bất ngờ với độ lớn của cơn bão…


Bão số 1 làm nhiều cây xanh tại Hà Nội gãy, đổ. Ảnh: TP

Nhiều người dân ở Thái Bình cho hay: Mấy hôm đó đài truyền hình quốc gia đưa tin về bão ít, chiều 27-7 lại bị mất điện nên họ không cập nhật được thông tin, chủ quan, không chằng chống nhà cửa.

Ông Ngô Nam Phòng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình, nói: Ban đầu dự báo bão sẽ vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh theo hướng đông bắc nhưng sau đó lại quay sang Nam Định - Ninh Bình theo hướng đông nam. Bão quay đầu là hiện tượng rất khó lường.

Lý giải hậu quả nặng nề của cơn bão, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành khí tượng thủy văn nhận định: Sau cơn bão Sơn Tinh vào tháng 10-2012 thì đến nay các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mới hứng chịu cơn bão mới. Vì vậy cả người dân lẫn chính quyền địa phương khá chủ quan trong việc phòng chống, ứng phó. “Bên cạnh đó, năm nay là năm chuyển giao nhiệm kỳ nên nhiều người đảm nhiệm công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt chưa có nhiều kinh nghiệm. Lãnh đạo mới cũng chưa chú trọng việc phòng, chống bão ngay từ đầu. Ngay cả thông tin trên truyền hình quốc gia cũng đưa tin về bão số 1 với thời lượng ít, không nhiều như những cơn bão xảy ra vào năm 2015” - vị cán bộ này nói.

Chiều 29-7, EVN cho hay từ ngày 1 đến 5-8, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam sẽ được cấp điện trở lại hoàn toàn. Riêng khu vực Hà Nội đã khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện và cung cấp điện ổn định trở lại cho 100% khách hàng.

Trước đó, chiều 28-7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khẳng định: “Chúng tôi dự báo sát thực tế và liên tục cập nhật về tình hình, khi bão đổ bộ hạ thấp về phía Nam đã được cảnh báo sớm…”.

Biển Đông sắp hứng cơn bão số 2

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến chiều hôm nay (30-7) áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển phía đông miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, có khả năng mạnh lên thành bão và hướng về phía biển Đông. Từ ngày 31-7, ở khu vực vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh, biển động.

 

 

 

 

 

Trọng Phú - Trà Phương/PLO

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân