Hotline:
Banner
Tin Nóng

Gia Lai: Báo động… 4.766 cặp hôn nhân cận huyết và tảo hôn

01 Tháng Tám 2016 9:19:13 CH

Moitruong24h - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là thực trạng lâu nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây vấn đề càng phức tạp hơn khi cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng này còn có ở những khu vực trung tâm và cả người Kinh.

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Gia Lai, từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, toàn tỉnh có 68.628 cặp vợ chồng, trong đó số cặp vợ chồng tảo hôn là 4.406 (cả vợ lẫn chồng chưa đến tuổi kết hôn là 1.504 cặp); 360 cặp kết hôn cận huyết thống (165 cặp tảo hôn).

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Long, cán bộ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Gia Lai, huyện Krông Pa là địa phương có tình trạng hôn nhân cận huyết cao nhất tỉnh, với 275 cặp. Đứng đầu tình trạng tảo hôn là huyện Mang Yang với 986 cặp. Điều đáng nói tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa mà ngay tại các khu vực trung tâm như TP Pleiku cũng có 526 cặp (có 133 cặp người Kinh), thị xã Ayun Pa có 99 cặp. 

Từ năm 2010 đến 2015, Chi cục tiến hành khảo sát tại những hộ gia đình kết hôn cận huyết và tảo hôn thì thấy rằng nhiều đứa trẻ sinh ra còi cọc, bại não, chết đột ngột… Đơn cử, ở xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), Siu Nhóe (sinh năm 1994) lấy chồng là Rah Mah Oang vào năm 2011. Oang thường ngày gọi mẹ Nhóe là cô ruột, giờ thì là mẹ vợ. Khi hỏi hai trẻ có biết là họ hàng của nhau không, họ trả lời rất đơn giản: Biết nhưng đã lỡ thương nhau rồi và cả hai khác họ, chắc sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, thực tế không như vậy, hơn năm năm chung sống, đã mấy lần mang thai nhưng đôi vợ chồng này chỉ sinh được một cậu con trai còi cọc, suy sinh dưỡng và hay đau ốm, phải thường xuyên đi viện, làm cho cuộc sống càng thêm khó khăn.

“Những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đa số đều có kinh tế khó khăn, con cái của họ khi sinh ra dễ mắc bệnh tật, để lại gánh nặng, hệ lụy cho gia đình, xã hội. Cán bộ dân số các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi phong tục-tập quán, đồng thời lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đến người dân nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Ngoài ra, nhiều người vẫn coi việc này là trách nhiệm của ngành chuyên môn, chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền địa phương cũng là một trở ngại không nhỏ” - bà Long nói.  

 

 

 

 

Lữ Quỳnh Loan/PLO 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân