Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bắc Tây Nguyên bùng phát sốt xuất huyết, Gia Lai ban bố tình trạng khẩn cấp phun thuốc diệt muỗi

01 Tháng Tám 2016 11:54:56 SA

Moitruong24h - Gia Lai đang phát đi thông tin đáng lo ngại với 3.379 ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH), và Kon Tum là xấp xỉ 1.400 ca, bình quân mỗi ngày 30 ca nhập viện. Hai bệnh viện Đa khoa ở hai tỉnh Bắc Tây Nguyên đã trong tình trạng quá tải. Hiện đã có bệnh nhân tử vong vì SXH khiến tình hình dịch bệnh ở Gia Lai và Kon Tum lan tới mức báo động.


Bệnh nhân SXH tại bệnh viện Gia Lai đã quá tải. Ảnh Đình Văn.

Bệnh viện quá tải đến... hành lang

Trước diễn biến này, hôm qua (31.7), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) được dẫn lời cho biết, sẽ tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm trong tháng 8.2016, trong đó, có Gia Lai và Kon Tum. 

Với 17/17 huyện, thị xã của Gia Lai đã xuất hiện bệnh SXH, Chủ tịch tỉnh Gia Lai - ông Võ Ngọc Thành - đã phải gửi công điện khẩn đến ngành y tế yêu cầu tập trung phòng chống cao độ. Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới (BVĐK Gia Lai) - bác sỹ Rcom Manh cho biết, bệnh viện đã quá tải. "Bệnh nhân phải nằm đôi, nằm hành lang mà hành lang cũng chật nốt, không còn chỗ nào mà chứa nữa", bác sỹ Manh nói.

Tỉnh Gia Lai yêu cầu xác định các "điểm nóng" tập trung nguồn lực khẩn trương khống chế, dập tắt ngay các ổ dịch; kiên quyết không để dịch lây lan, phát triển. Thế nhưng, báo cáo của sở y tế Gia Lai cho biết, chỉ trong một ngày đã xuất hiện 115 ca bệnh mới. Tại Gia Lai, bệnh SXH bùng phát mạnh nhất tại TP.Pleiku (gần 1.000 ca), tiếp đến là các huyện Đắc Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Đắc Pơ..., trước đó, một bệnh nhân đã tử vong. Tỉnh Gia Lai ban bố tình trạng khẩn cấp việc phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng/ bọ gậy. Tuy vậy, số bệnh nhân vẫn tăng lên từng ngày.

Tại Kon Tum, đã xuất hiện 2 bệnh nhân tử vong vì SXH. Hiện tại, các ổ dịch vẫn đang hoành hành tại các huyện Đắc Hà, Đắc Tô, Đắc Glei, TP.Kon Tum... "Ở buôn làng chúng tôi, người dân bị SXH rất nhiều. Người này ra viện thì người khác vào, trẻ nhỏ hay người lớn đều bị sốt cả", chị Nguyễn Thị Hồng (trú Thôn 10, xã Đăk Hrinh huyện Đăk Hà, Kon Tum) - lo lắng. Tại BVĐK Gia Lai, chị Sỹ Thị Vy Hằng (trú Tổ 1, P. Phù Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai) đang chăm con là Nguyễn Nguyên Khang (1 tuổi), thất thần: "Cháu bị sốt 1 tuần nay rồi. Sốt, nóng, đi ngoài liên tục, ăn không được, nôn suốt... Ban đầu cứ nghĩ sốt thông thường, đưa vào bệnh viện thăm khám mới biết cháu bị SXH".


Bộ Y tế được dẫn lời nói, sẽ đi kiểm tra dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm. Ảnh Đình Văn.

Ngăn chặn... thiếu đồng bộ

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó GĐ sở y tế Gia Lai - cho biết, tại Gia Lai, các ổ dịch cục bộ đã manh nha xuất hiện, nguy cơ bùng phát, lan tỏa mạnh trong cộng đồng dân cư. Ông nói, khởi phát của SXH triệu chứng rất giống với các bệnh sốt siêu vi khác, do đó, rất khó phát hiện. Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. "Người nào bị SXH cũng có thể bị nặng và đều có khả năng tử vong. Bởi đang ở mức độ nhẹ nhưng một vài tiếng sau là chuyển qua nặng, nguy hiểm là ở chỗ đó", ông Tuấn cho hay.

Tại Tây Nguyên, thời tiết khắc nghiệt (mưa, nắng, ẩm, nhiệt độ tăng cao) trong thời điểm này được cho là "tạo điều kiện" để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết "tung hoành". Tại Gia Lai, việc chống SXH nhiều nơi đã vượt quá tầm kiểm soát của huyện. Chủ tịch huyện Ia Grai (Gia Lai) - Dương Mah Tiệp cho biết, số lượng hóa chất, thuốc dùng để phun có dấu hiệu thiếu hụt, cấp chậm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Vân - Phó GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum - cho rằng: "Cần để người dân hiểu, ngăn ngừa bệnh SXH là phải tự phòng lấy bằng cách diệt muỗi, tự thu gom các dụng cụ chứa nước, phế thải. Người dân còn ý thức trông chờ, ỷ lại với lí do "việc xử lý của của cán bộ y tế". Tương tự, Phó GĐ sở y tế Gia Lai - Nguyễn Đình Tuấn, cho hay: "Ý thức tự phòng bệnh của người dân còn hạn chế".

Nhiều công điện, văn bản chỉ đạo được Gia Lai, Kon Tum ban hành, nhưng việc thực hiện chỉ dừng lại trên giấy. Biện pháp xử lý mà các tỉnh này cũng chỉ dừng ở mức "kêu gọi" các đoàn thể ra quân: Diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh rác thải, phát quang bụi rậm, khơi thông nước tù đọng. Trong khi đó, việc phân tuyến cấp cứu; phân luồng khám bệnh; thiết lập khu vực riêng để khám, cách ly điều trị; cấp cứu bệnh nhân quá tải khi có đông bệnh nhân và tránh lây nhiễm chồng chéo trong các cơ sở y tế... lại chưa được triển khai hiệu quả. Việc phối hợp không đồng bộ giữa các đơn vị liên quan và người dân đã làm báo động thêm dịch SXH tại Tây Nguyên.

 

 

 

 

 

Đình Văn/ Lao Động

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân