Hotline:
Banner
Tin Nóng

Đóng cửa rừng - quyết định hợp lòng dân

03 Tháng Bảy 2016 8:07:46 CH

Moitruong24h - Suốt tuần qua, dư luận vô cùng hân hoan về chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp. 

Người dân cho rằng, đây là sự sáng suốt và thấu hiểu của lãnh đạo cấp cao. Toàn dân đều ủng hộ một biện pháp mạnh và nghiêm hơn đối với lâm tặc để khẩn cấp bảo vệ tài nguyên rừng.

Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây nguyên tổ chức ở Đắk Lắk sáng 20/6 đã được Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk sáng 21/6 vừa qua.

“Chúng ta đã có một diện tích cây cà phê, cao su và các cây công nghiệp khác tương đối lớn. Vì vậy, chúng ta đi vào thâm canh, đầu tư công nghệ cao để tăng chất lượng, giá trị cây trồng chứ không phải cứ mở ra tràn lan để tăng diện tích, sản lượng”. Câu nói của Thủ tướng đã thể hiện tinh thần chỉ đạo cực kỳ cụ thể và đi vào thực tế cuộc sống, chứ không phải chỉ đạo một cách chung chung.


Rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, tạo sinh kế đồng thời là nơi sinh sống của các loài động, thực vật và giữ gìn bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, nạn phá rừng (mỗi năm, thế giới mất đi khoảng 13 triệu ha) và tình trạng suy thoái rừng do khai thác gỗ vì mục đích thương mại hoặc làm chất đốt đã thải ra khoảng 20% khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.

Các địa phương có diện tích rừng bị phá hoại thường đổ lỗi cho người dân phá rừng. Điều này chỉ đúng một phần bởi dân địa phương có phá vì cuộc sống thiếu thốn nhưng thiệt hại cũng chẳng là bao so với nạn phá rừng “có phép”. Chỉ một doanh nghiệp được cấp phép thì với những thiết bị đốn hạ rừng hiện đại, họ sẽ “cạo trọc” hàng trăm hàng ngàn hecta rừng.

Rừng tự nhiên mất nhanh chóng, thảm thực vật không còn, sự đa dạng về sinh học biến mất sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường mà không cần các nhà khoa học hay nghiên cứu giải thích cũng dễ dàng nhận ra. Nhiệt độ vẫn đang tăng ở các địa phương trên cả nước. Lũ quét luôn tiềm ẩn vì rừng không giữ được nước nữa, hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn, vì không còn thảm thực vật và cây to để giữ nước. Nước chảy ra biển vì hết rừng, vì bê tông hóa…

Chúng ta đã có quá nhiều văn bản để quản lý bảo vệ rừng mà rừng vẫn tiếp tục mất nghiêm trọng. Vấn đề còn lại là tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thế nào cho có hiệu quả.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy “Rừng là vàng. Nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”. Sau nhiều năm tàn phá rừng vì nhiều mục đích, đời sống kinh tế xã hội ở các địa phương có rừng chẳng khá hơn bao nhiêu do những thiệt hại do thiên tai mang lại, trong khi đó người dân sống ở vùng rừng vẫn nghèo, vẫn phải xin cứu trợ.

Chính vì vậy, quyết định đóng cửa rừng ở Tây Nguyên của Thủ tướng Chính phủ đã khiến người dân có cơ sở để tin rằng, nếu có những chiến lược thực tế và hiệu quả hơn nữa nhằm bảo vệ và mở rộng diện tích rừng thì trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể lấy lại được những diện tích rừng đã mất.

 

 

Nguyễn Chức/ Thế Giới & Việt Nam

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân