Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hạn chế xe gắn máy, cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

02 Tháng Bảy 2016 10:35:54 SA

Moitruong24h - Trong mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc, lãnh đạo TP.Hà Nội đề xuất xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới cấm lưu thông xe máy ở khu vực nội đô. Đây được xem là chủ trương đúng để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn biến ý tưởng thành hiện thực, điều kiện cần và đủ là Thành phố phải đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.  

Khi người dân đồng thuận

Nếu như vài chục năm trước, xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở nước ta thì ngày nay, ngôi vị này được nhường chỗ cho xe máy. Điều đáng nói cùng với sự phát triển cơ học về dân số, khiến mật độ người tham gia giao thông ở  nội thành Hà Nội rất cao, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cô Đoàn Kim Dung - giáo viên Trường THPT Giáp Bát - chia sẻ: “Thời điểm vào giờ học hoặc tan giờ học, mới thấy hết được sự phức tạp bởi sự quá tải bởi dung lượng phương tiện cá nhân. Các bậc phụ huynh vì vội cho con kịp giờ nên lạng lách lẫn nhau, mạnh ai nấy đi; các em nhảy vội xuống xe để nhanh vào lớp, xe này phạch kít trước xe kia, nhiều hôm quan sát tôi thót tim. Vì thế, nếu Thành phố tiến tới cấm xe máy, thay bằng phương tiện công cộng cho việc đi lại, tôi nghĩ đây là việc làm văn minh, tránh được rủi ro đáng tiếc. Một quyết định hợp lòng dân. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện cần phải phù hợp”.


Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Khi hay tin Thành phố có chủ trương hạn chế xe gắn máy, trao đổi với Báo LĐTĐ, bà Đỗ Ngọc Minh (75 tuổi, Khu tập thể cơ khí Trần Hưng Đạo, phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Dù xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của gia đình, nhưng tôi rất ủng hộ chủ trương cấm xe máy của Thành phố, chuyển sang sử dụng xe công cộng, vừa tránh ùn tắc lại đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. “Trong gia đình, chỉ có tôi thường xuyên sử dụng xe buýt đi lại. Song tôi thấy chất lượng xe buýt chưa được tốt, lái xe có chú đi còn ẩu, vẫn còn nhiều người thiếu ý thức chen lấn xô đẩy khi lên xe, vứt rác bừa bãi. Vì thế, cần phải nâng cao  chất lượng  về mọi mặt đối với xe buýt công cộng trước khi hạn chế, tiến tới cấm lưu thông xe máy trong địa bàn nội thành”- bà Minh nói.

Cần có lộ trình phù hợp

Nói về Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, ông đã từng tham gia góp ý kiến về vấn nạn ùn tắc giao thông Hà Nội, nhưng các giải pháp trước đó mà cơ quan chức năng đưa ra, hiệu quả đạt được không cao, thậm chí nhiều phương án còn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, với đề án lần này, ông cho rằng, tính khả thi rất cao. Đây là đề xuất đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới. Cách đây 30 năm, xe máy - phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn của Nhật và Hàn Quốc cũng nhiều như Việt Nam, song do đặt ra lộ trình đi theo đúng hướng, nên đến nay, họ đã giải quyết được tình trạng này.

Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, nếu muốn hạn chế phương tiện cá nhân, phải có phương tiện thay thế cho người dân đi làm. Vì thế, việc hạn chế xe cá nhân phải xây dựng một lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội, chứ không nhảy cóc được. “Đề xuất của UBND TP.Hà Nội có lộ trình gần 10 năm là thời gian khoảng hợp lý, đủ để người dân suy nghĩ, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia nghiên cứu, áp dụng dần rồi ra quyết định, chứ không áp người dân bỏ phương tiện “chủ yếu” của mình ngay ngày một ngày hai” - ông Liên cho biết.

Theo ông Liên, nếu có phương tiện công cộng thay thế chất lượng phù hợp thì người dân sẽ tự dần bỏ xe máy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngành chức năng cũng nên nghiên cứu tính toán đến sự đặc thù của từng dãy phố, khu nhà, sự vận hành trước đó của các phương tiện giao thông công cộng để áp dụng sao cho hợp lý, tránh xáo trộn cuộc sống, công việc của người dân.

Còn theo ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty vận tải Hà Nội, trong quy hoạch những năm tới, về cơ bản, vận chuyển hành khách công cộng vẫn là xe buýt. Vì vậy, cần phải nhanh chóng xây dựng đề án phát triển xe buýt, trong đó tăng số đầu xe, đầu tuyến lên 1,5 lần so với hiện nay. Bởi thực tế nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân cao hơn rất nhiều so với số đầu xe buýt Hà Nội hiện có.

Được biết, để hạn chế dần và tiến tới cấm xe máy, phải đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm. Phương tiện vận tải hành khách công cộng có tốc độ nhanh, khối lượng vận chuyển lớn như 8 tuyến đường sắt đô thị.  Mặc dù đề xuất hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến phố nội đô, nhưng Thành phố không hạn chế quyền sở hữu, mua sắm phương tiện của người dân. Người dân vẫn có thể mua xe và lưu thông bình thường tại các tuyến phố không cấm. Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu đề án quản lý, hạn chế với  4 nhóm giải pháp cơ bản là tăng cường năng lực vận chuyển phục vụ người dân, tăng cường bến bãi đậu xe, mở ra nhiều không gian đi bộ, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân...

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Hà Nội hiện có khoảng 5 triệu xe máy và hơn 500 ngàn ô tô, với tốc độ tăng bình quân 10%/năm. Với đà này, dự tính đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Đây thực sự là một con số đáng phải suy ngẫm, vì nó không chỉ làm ùn tắc giao thông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường do khí thải. Cho nên, việc hạn chế các phương tiện cá nhân, tiến tới cấm xe máy là xu thế tất yếu. Việc cấm này cũng đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều đô thị lớn trên thế giới.

 

Anh Tuấn/LĐTĐ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân