Hotline:
Banner
Tin Nóng

Làm gì sau chỉ đạo của Bí thư Thăng? (*): Đẩy lùi tội phạm

01 Tháng Bảy 2016 11:04:03 SA

Moitruong24h - “Chúng ta phải làm sao để khi nhắc đến Công an TP HCM là tội phạm khiếp đảm, không dám hoạt động, để người dân thấy đây là nơi đáng sống, đáng tự hào” - Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo như vậy khi làm việc với lực lượng công an

Hơn tất cả, chuyện an toàn khi ra đường, an ninh khi ở nhà được người dân chú trọng và đặt hy vọng nhiều nhất vào chính quyền. Vậy chính quyền, cụ thể là ngành công an, đã làm gì để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng như sự kỳ vọng của người dân?

Đồng loạt tấn công

Theo Công an TP HCM, ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, lực lượng này đã đồng loạt ra quân, quyết liệt trấn áp tội phạm và kéo giảm đáng kể trong 3 tháng đầu năm 2016. Để đạt được kết quả này, lực lượng công an đã tổng ra quân kiểm tra, rà soát các cơ sở cầm đồ, dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, nhất là ở vùng giáp ranh - nơi các băng nhóm tội phạm chuyên cho vay nặng lãi ẩn náu.


Lực lương đặc nhiệm quận 1 trong một lần bắt đối tượng cướp giật Ảnh: Lê Phong

Trung tá Nguyễn Ngọc Nam, Phó trưởng Công an quận Thủ Đức, cho biết công an quận đã tổ chức kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm với số tiền 103 triệu đồng, riêng dịch vụ cầm đồ là 71 triệu đồng. Điển hình, cơ sở cầm đồ Chiến ở phường Trường Thọ và Minh Trung ở phường Hiệp Bình Chánh không chỉ bị phạt hành chính mà còn bị rút giấy chứng nhận về an ninh trật tự vì vi phạm nhiều lần.

Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, cho hay qua kiểm tra, công an đã đưa vào tầm ngắm một số băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi núp bóng tiệm cầm đồ, các đối tượng phạm tội khác... để có hướng xử lý.

Công an quận Gò Vấp cũng đồng loạt tấn công tội phạm. Theo trung tá Nguyễn Bá Ưu, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp Công an quận Gò Vấp, quận đã tiến hành kiểm tra 282 lượt cơ sở, phát hiện 60 lượt cơ sở vi phạm như tiệm cầm đồ Hoàng Thắng 6, tiệm cầm đồ Cường Phát.

Ngoài ra, theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an

TP HCM, thời gian qua, Công an TP đã huy động lực lượng chốt chặn các tuyến đường, địa bàn, khu vực trọng tâm để kiểm tra, xử lý tội phạm; tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm tuần tra phòng chống cướp, cướp giật, trộm cắp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Đặc biệt, Công an TP yêu cầu các phòng nghiệp vụ, công an quận - huyện, phường - xã - thị trấn củng cố, tổ chức tốt công tác tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm; thực hiện quy chế trao đổi thông tin, báo cáo kịp thời khi phát hiện vụ việc xảy ra.

Cần những mô hình đột phá

Nhìn lại 3 tháng thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho rằng tội phạm dù đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức. Đáng nói là nhiều băng nhóm tội phạm bên ngoài đã đến TP HCM hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiệm cầm đồ, dịch vụ giải trí nhạy cảm như vũ trường, quán bar..., móc nối với các băng nhóm khác để đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc trái phép. Các đối tượng phạm tội hầu hết có tiền án, tiền sự và hầu như không có việc làm ổn định.

Thực tế, hiện tội phạm đã vắng bóng ở khu vực trung tâm TP và bắt đầu hoạt động ở các quận - huyện vùng ven. “Tuy nhiên, tôi nhận thấy tội phạm đang ma mãnh hơn, nhiều chiêu thức đối phó hơn” - ông Lê Đông Phong đánh giá.

Giám đốc Công an TP HCM cam đoan lực lượng công an sẽ cương quyết kéo giảm tội phạm ở mức tối đa. Để kéo giảm tội phạm, về lâu dài, cần có những mô hình đột phá, nhất là công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm từ cấp cơ sở. Ngoài ra, phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, tập trung khắc phục những bất cập trong công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý tạm trú, quản lý người nước ngoài, tăng cường truy bắt đối tượng truy nã.

Song song đó, trong thời gian tới, TP HCM sẽ phủ sóng toàn bộ camera trên địa bàn để phục vụ quản lý, truy cập và trích xuất dữ liệu. “Chúng tôi đã nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng chống tội phạm và thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” - ông Phong khẳng định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-6

Kiến nghị tăng biên chế công an

TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lực lượng Công an TP được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP; thí điểm bố trí công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian tới, bộ sẽ làm việc với TP HCM để giải quyết cụ thể những kiến nghị của TP.

Kiểm tra vấn đề Báo Người Lao Động nêu

UBND TP HCM vừa có phản hồi liên quan đến bài viết “Làm gì sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng?: Bình đẳng nước sạch” đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27-6. Theo đó, UBND TP giao UBND huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra vấn đề mà báo phản ánh. Đồng thời, chủ động phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tất cả hộ dân trên địa bàn được tiếp cận với nước sạch và báo cáo cụ thể kết quả giải quyết cho UBND TP.

S.Đông

 

Mong sớm thành lập đội săn bắt cướp

Ở góc độ người dân, chị Võ Thanh Mai, thông dịch viên tiếng Hàn, chia sẻ chị luôn phập phồng mỗi khi bước chân ra đường bởi trộm cắp, dàn cảnh cướp tài sản xảy ra thường xuyên.

Theo chị Mai, tình hình này diễn ra nhiều trong các khu dân cư với khối lượng tài sản lớn. Bọn trộm nghiên cứu rất kỹ giờ giấc của gia chủ trước khi thực hiện. Đáng lo ngại hơn là gần đây, các đối tượng nghiễm nhiên xông vào các cửa hàng, nhà dân khống chế cướp giật tài sản như chốn không người. Chưa kể, còn bao nhiêu vụ án không tìm ra hung thủ hoặc người dân ngại trình báo vì sợ gặp rắc rối.

Chị Mai mong muốn ngành công an phải có những cải cách mang tính đột phá để đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân. Ngành công an cần phải hành động quyết liệt để các loại tội phạm phải khiếp sợ, không còn địa bàn hoạt động, để TP HCM xứng đáng là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

“Trước đây, Đội Săn bắt cướp (SBC) từng là nỗi khiếp sợ của các băng nhóm tội phạm. Cho nên, việc thành lập Đội SBC là điều cần làm, nên làm và làm phải gấp rút” - chị Mai bày tỏ. Chị cũng đề nghị ngành công an phải chuẩn bị kỹ về nhân lực và vật lực để Đội SBC hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật.

Trong khi đó, là một người từng tham gia bắt nhiều tên cướp trên đường phố, ông Đặng Đình Điền (70 tuổi, bộ đội đặc công đã về hưu) cho rằng Công an TP cần có “những cú đấm thép” để ngăn chặn, trấn áp những loại tội phạm nguy hiểm, nhất là các đối tượng cướp giật tài sản vì nhiều khi sẽ gây chết người do té xuống đường.

Đồng tình với việc sớm thành lập Đội SBC, ông Điền cho biết nếu được phép, ông sẽ đăng ký tham gia. Để lực lượng này hoạt động hiệu quả, ông Điền gợi ý: “Đội SBC cần được đào tạo chuyên nghiệp về cách xử lý, đối phó với tội phạm cũng như được trang bị tốt về phương tiện để phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Phạm Dũng

 

 

 

Theo Người Lao Động

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân