Moitruong24h - “Các doanh nghiệp Trung Quốc thường thao túng và can thiệp rất sâu vào hoạt động du lịch khi đưa khách du lịch Trung Quốc đến các điểm không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này. Việc hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui, hoạt động bất hợp pháp diễn ra cũng không chỉ ở Việt Nam”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đã đề nghị kiểm tra, rà soát, trục xuất những trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam núp bóng làm hướng dẫn viên chui, hoạt động bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp ở Việt Nam
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết như vậy tại buổi họp báo về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2016; trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2016; đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Tập đoàn FLC sáng ngày 1/7.
Hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui không chỉ ở Việt Nam
Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui ở Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, điều này đã xảy ra, trước là ở Quảng Ninh, gần đây là ở Khánh Hòa, Đà Nẵng và có thể ở một số địa phương khác.
“Theo Luật Du lịch, người nước ngoài không được thực hiện hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam. Hành vi đó phải được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phân tích nguyên nhân, theo ông Tuấn, do Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Những năm gần đây có sự gia tăng đột biến của thị trường này dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ và hướng dẫn viên chúng ta không đáp ứng được yêu cầu.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc thường thao túng và can thiệt rất sâu vào hoạt động du lịch khi đưa khách Trung Quốc đến các điểm đến không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này. Việc hướng dẫn viên hoạt động chui, hoạt động bất hợp pháp diễn ra cũng không chỉ ở Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Thêm vào đó, công tác quản lý, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý cũng còn bất cập, còn hạn chế phải được khắc phục.
Rà soát, trục xuất người nước ngoài hướng dẫn viên du lịch chui
Vậy làm gì để ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên du lịch chui? Ông Tuấn cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, khi nắm được thông tin, đã đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ngành tập trung phát hiện, kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý.
Trong trường hợp “nóng bỏng” như của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay ở Nhà Trang, trực tiếp Tổng cục Du lịch đã kiểm tra và ra quyết định thu hồi Giấy phép lữ hành quốc tế. Bởi công ty này đã sử dụng trên 60 người làm việc không có hợp đồng và đều lao động bất hợp pháp.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Có một số bài báo nói rằng, Tổng cục Du lịch thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế có dấu hiệu trái pháp luật, chúng tôi khẳng định, là làm đúng pháp luật. Với tư cách là Tổng Cục trưởng, tôi ký quyết định này, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của Tổng cục Du lịch. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về việc này. Tất cả điều này chúng tôi làm có cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, đúng chức năng, đúng nhiệm vụ”.
Nhưng việc ngăn chặn hướng dẫn viên hoạt động chui, bất hợp pháp rất phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan liên quan, cũng như sự vào cuộc, hỗ trợ của cơ quan công an.
Theo ông Tuấn, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, TP rà soát, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch chui, núp bóng, trong đó có việc hướng dẫn viên chui, bất hợp pháp của người Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Đây là chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời. Chúng tôi cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố và Tổng cục An ninh đề nghị kiểm tra, rà soát, trục xuất những trường hợp vào Việt Nam núp bóng làm hướng dẫn viên chui, hoạt động bất hợp pháp, lao động bất hợp pháp ở Việt Nam”, ông Tuấn thông tin.
Thu từ khách du lịch đạt 200.339 tỷ đồng
Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Hoàng Hoa Quân, 6 tháng đầu năm, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4.706.324 lượt (tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015); khách du lịch nội địa ước đạt 32,4 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.339 tỷ đồng (tăng 22,1% so với cùng kỳ).
Lượng khách đến từ khu vực Đông Bắc Á tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao: Hồng Kông tăng 128,3%, Trung Quốc tăng 47,9%, Hàn Quốc tăng 34%... Lượng khách từ ASEAN vẫn duy trì mức tăng trưởng trên hai con số.
Đặc biệt, khách du lịch từ 5 nước Tây Âu mới được miễn thị thực nhập cảnh đều có tốc độ tăng trưởng ấn tượng: Italia (30,1%), Anh (24,6%), Tây Ban Nha (22,7%), Đức (17,1%) và Pháp (13,8%). So với thời điểm chưa áp dụng chính sách miễn thị thực, tổng lượng khách của 5 nước Tây Âu tăng 62.029 lượt người.
Ông Quân cũng cho biết, lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị khách hàng toàn cầu của Tập đoàn Der Touristik; tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2016, BMTM Danang 2016…
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh lữ hành và cơ sở lưu trú tại các địa bàn du lịch trọng điểm, ra quyết định thu hồi Quyết định công nhận xếp hạng đối với 6 khách sạn và Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của 1 doanh nghiệp đã vi phạm các quy định.
Ở nhiều địa phương cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch thành công, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút được nhiều tập đoàn lớn có tiềm năng, thế mạnh về tài chính.
Tuy nhiên, 6 tháng qua, tai nạn liên quan đến khách du lịch gia tăng, tình trạng kinh doanh lữ hành không đủ điều kiện, hướng dẫn viên không phép, chất lượng phục vụ của một cơ sở lưu trú sau khi thẩm định, xếp hạng không được duy trì theo tiêu chuẩn… đặt ra vấn đề cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp.
Lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2016 sẽ được tổ chức vào hồi 19 giờ ngày 9/7/2016, đúng dịp kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, giải thưởng này nhằm lựa chọn, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định vị trí của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân.
Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xây dựng, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm du lịch…
Cơ cấu giải thưởng gồm: Lữ hành; lưu trú du lịch; vận chuyển khách du lịch; nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch; cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch; sân gôn; điểm tham quan du lịch; khu du lịch.
Thảo Nguyên/Chinhphu.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân