Hotline:
Banner
Tin Nóng

Để DNNVV là động lực phát triển kinh tế: Vẫn là bài toán cơ chế

15 Tháng Bảy 2016 2:00:28 CH

Moitruong24h - Trên thực tế, 90% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị từ chối vay vốn vì không có tài sản thế chấp khiến hàng loạt những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt phải chấp nhận “đắp chiếu”. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cần tính toán để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hỗ trợ các doanh nghiệp (DN).

Bị từ chối vốn vay

Hiện nay, DNNVV đóng góp gần 40% vào GDP và tạo ra 50% số việc làm toàn xã hội. Theo khảo sát mới đây của Viện Quản trị DNNVV, chỉ 30% tổng số DNNVV tiếp cận được được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao.

Thừa nhận điều này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, hiện nay, bình quân lãi suất cho vay ở Việt Nam ở mức gần 8%/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực khiến các DNNVV càng khó tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

Mới đây, tại Hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – cộng đồng doanh nghiệp”, một giám đốc DN tại Lâm Đồng đã thẳng thắn nêu ra nỗi bức xúc về nghịch lý “hỗ trợ mà như không” đang làm khó DN hiện nay.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO -cho rằng:

“Một trong những cơ chế cần xem xét quy định, là cho phép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015) vì hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm”.

Vị giám đốc này cho biết, công ty của ông chuyên xuất hoa sang thị trường Nhật Bản, 3 năm qua với nhiều hợp đồng lớn nhỏ, được công ty bạn tin cậy, nhưng ông vẫn chưa thể mở rộng sản xuất vì vay vốn cho đầu tư và mở rộng sản xuất - kinh doanh quá khó.

Vị giám đốc này cho hay, nhiều lần DN đệ đơn lên các tổ chức tín dụng vay vốn, nhưng liên tục bị từ chối bởi không có tài sản đảm bảo. Điều kiện được đặt ra này không chỉ các ngân hàng mà những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp mà ông được tiếp cận cũng đưa ra yêu cầu tương tự.

Cũng chịu chung cảnh khó khăn, nhiều DN bức xúc cho rằng, số DN vay được vốn từ quỹ hỗ trợ chiếm tỉ lệ nhỏ, hầu hết đều có bảo trợ ở đằng sau.

Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật công nghệ Việt Phát - cho rằng: “Các DNNVV cũng chỉ tiếp cận được các nguồn vay ngắn hạn, dao động trong khoảng từ 6 -12 tháng và chi phí vay đắt đỏ hơn nhiều. Trong khi đó, thực tế sản xuất và phát triển của DN lại không phải là tiêu chí được xét đến”.

Rào cản 6 “chưa”!

Khó khăn lớn nhất của DNNVV, đặc biệt là DN khởi nghiệp không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao, nguyên nhân chính theo các chuyên gia là các DN vẫn thiếu 6 “chưa”, cụ thể: Chưa có thị trường, chưa có tín nhiệm, chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm, chưa có hiệu quả, chưa có tài sản bảo đảm…

Mặc dù Nhà nước đã tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng như: Quỹ Phát triển DNNVV, các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, các tổ chức tín dụng vi mô... song với những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả ngân hàng, nên DN đã không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì cũng không thể tiếp cận được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Vì thế, nhiều DN do bí vốn đã phải tìm đến “chợ đen” để vay.

Riêng với việc các Quỹ hỗ trợ không “mặn mà” trợ giúp DNVVN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nhiều năm nay, các Quỹ này và các tổ chức tín dụng vi mô không có đủ nguồn vốn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nên rất khó hỗ trợ vốn cho DN.

Trước thực tế này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế "xin - cho", thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho DN.

“Việc hỗ trợ DN nói chung cần đúng trọng tâm, có trọng điểm. Bên cạnh đó, cần tỉnh táo phân loại rõ DN có tiềm năng phát triển và DN khó khăn triền miên để có giải pháp tạo điều kiện cho phù hợp” - ông Lộc cho biết.

 

 

 

Tuệ Liên/Lao Động TĐ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân