Moitruong24h - Đây là khẳng định của bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO tại Lễ Khai mạc Phiên họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phiên họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra từ ngày 10- 20/7, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, các di sản thế giới bị hủy hoại khá nhiều dưới tác động của chiến tranh, Lễ khai mạc phiên họp đã nhấn mạnh rằng: Di sản thế giới, ngay bây giờ, hơn bao giờ hết, là chủ đề của rất nhiều mối đe dọa, của sự gắn kết và đối thoại ở cấp độ quốc tế.
Ông Numan Kurtulmuş- Phó Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài phát biểu của mình, đã cho biết vai trò thiết yếu của văn hóa và di sản, vai trò đó càng quan trọng hơn trong thời kỳ chiến tranh và các cuộc tấn công khủng bố. "Nhiệm vụ của UNESCO là để bảo vệ các giá trị chung của chúng ta [...] và vai trò này càng quan trọng hơn vì chúng ta sống trong thời điểm khó khăn"- Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Khai mạc Phiên họp lần thứ 40 của Ủy ban Di sản thế giới (ảnh unesco.org)
Bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO cho biết di sản thế giới là hiện thân của một ý tưởng mang tính cách mạng. "Mọi người ở mọi nền văn hóa và đức tin có thể đoàn kết xung quanh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Khi một di sản thế giới bị phá hủy bất cứ nơi nào trên thế giới, tất cả chúng ta đều đau khổ, tất cả chúng ta đều tuyệt vọng, thậm chí nếu nó thuộc khu vực khác, thời gian khác, nền văn hóa khác"- bà Irina Bokova cho biết.
"Những gì đang bị đe dọa ở đây là quá nhiều hơn so với việc ghi thêm các di sản mới vào danh sách. Đây là cách để khẳng định lại giá trị của con người và các quyền con người. Đó cũng là cách để xoa dịu các ký ức bị tổn thương, khai thác di sản để lấy lại sự tự tin, để phục hồi và hướng tới tương lai"- Tổng giám đốc UNESCO nói thêm.
Ông Nabi Avci- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định một thực tế là UNESCO chính là nơi tốt nhất để thúc đẩy sự hợp tác. "UNESCO chính là người nắm giữ quyền lực mềm, một nguyên tắc cơ bản để nền hòa bình có thể được xây dựng".
"Ngày nay, chúng ta đang phải chứng kiến các mối đe dọa đối với di sản thế giới. Việc tấn công vào di sản chính là tấn công lịch sử, vào bản sắc và giá trị của con người ", Chủ tịch Ủy ban, ông Ülker nói.
Thành cổ Hatra 2000 năm trước khi bị phá hủy bởi IS (ảnh AFP)
Các đại biểu đều khẳng định, đứng trước những mối đe dọa như vậy, các thành viên của UNESCO phải đoàn kết và Phiên họp lần thứ 40 này sẽ thảo luận sâu hơn về các biện pháp để đối phó với những mối đe dọa này. Các đại biểu cũng khẳng định, Công ước của UNESCO là công cụ quan trọng để bao vệ di sản.
Chủ tịch của Tổng Hội nghị, ông Stanley Mutumba Simataa nói: "Tại thời điểm ngày càng gia tăng các mối đe dọa đến các di sản tự nhiên và văn hóa, Công ước là một công cụ quan trọng để trao quyền cho cộng đồng quốc tế để bảo vệ, phát huy và truyền di sản của chúng ta lại cho các thế hệ tương lai."
"Về vấn đề này, tôi tin chắc đó là nhiệm vụ của chúng ta để tăng cường vai trò của UNESCO trong việc bảo vệ di sản tại khu vực xung đột và để đảm bảo việc bảo vệ và bảo tồn các địa điểm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai", Đại sứ Michael Worbs- Chủ tịch Ban chấp hành UNESCO phát biểu.
Khoảng 800 đại biểu là thành viên của UNESCO trên toàn thế giới tham dự phiên họp. Trong phiên họp này, Ủy ban Di sản Thế giới sẽ xem xét đề cử của 27 tài sản vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, bao gồm 09 tài sản tự nhiên mới, 14 tài sản văn hóa và 4 tài sản hỗn hợp (tức là cả thiên nhiên và văn hóa). Ủy ban cũng sẽ xem xét tình trạng bảo tồn của 108 di sản đã được ghi vào danh sách di sản thế giới và 48 di sản nằm trong danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm./.
Hoàng Nguyên/Tổ Quốc
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân