Moitruong24h - Lãnh đạo Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) và UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã thống nhất đẩy nhanh Dự án hợp tác với Hàn Quốc thực nghiệm tẩy độc Dioxin tại sân bay dã chiến A Sho (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Đây là hoạt động hợp tác khoa học giữa VACNE và Công ty sinh học BJC của Hàn Quốc góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, giảm bớt khó khăn cho nhân dân địa phương. Việc tẩy sạch chất độc da cam/dioxin nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm cho con người đã và đang là vấn đề được Chính phủ nước ta quan tâm đặc biệt.
Nhiều diện tích đất ở huyện A Lưới bị nhiễm chất độc, cây cối không phát triển được.
Trước đó, ngày 22/9/2014 VACNE và BJC đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xử lý Dioxin do chiến tranh để lại trên lãnh thổ Việt Nam. Nội dung Biên bản hợp tác tập trung vào lĩnh vực xử lý đất nhiễm độc Dioxin bằng công nghệ vi sinh – đây vốn là thế mạnh của BJC và VACNE. Đồng thời, hai bên cũng quan tâm tới vấn đề tư vấn công nghệ, tăng cường năng lực và huy động cộng đồng bản địa làm sạch môi trường bằng các biện pháp tổng hợp, tạo sinh kế cho người dân và phát triển bền vững cho những vùng đã bị nhiễm độc Dioxin.
Sau khi sơ kết tình hình phát triển Dự án và thực tiễn khảo sát mới đây tại Hàn Quốc, lãnh đạo Ban chỉ đạo 33 và lãnh đạo UBND huyện A Lưới thống nhất cùng phối hợp triển khai và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án. Theo đại diện VACNE, thành công của dự án sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau cho người dân địa phương và tăng cường hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.
Được biết, trong chiến dịch Ranch Hand năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) xuống miền Nam; trong đó riêng A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là 432.812 lít (chứa 11kg dioxin). Lượng chất diệt cỏ, chất hóa học rải xuống A Lưới bằng một nửa các chất hóa học mà quân Mỹ đã rải xuống Thừa Thiên - Huế.
Khu vực A Sho chịu nặng nề nhất do đây là nơi đậu máy bay và rửa chất dioxin. Đến nay, sân bay A Sho được chia làm ba khu vực A, B, C tùy theo mức độ nhiễm dioxin. Trong đó, khu A là khu vực nguy hiểm nhất, rộng 1,65 ha. Con người tiếp xúc có thể bị ngã quay ngay tức khắc nếu không có biện pháp bảo hộ.
Tuyết Chinh/TNMT
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân