Hotline:
Banner
Tin Nóng

Miền Trung: Tiếp tục khắc phục sự cố môi trường

02 Tháng Bảy 2016 3:52:17 CH

Moitruong24h - Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại miền Trung, lãnh đạo cũng như các cơ quan chức năng ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng đã đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố, tập trung ổn định cuộc sống người dân.

​Quảng Trị: Tạo điều kiện cho người dân vùng biển chuyển đổi việc làm phù hợp

Ông Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Trị cho TTXVN biết: Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, thận trọng, khách quan, khoa học, cũng như đưa ra những chính sách phù hợp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.

Qua sự việc này, có thể thấy, cách giải quyết thận trọng, khách quan, khoa học chính xác của Đảng và Nhà nước ta là một quyết định quan trọng, rất được lòng dân.

Điều quan trọng hơn nữa, những nội dung trong bản cam kết của cơ sở gây ô nhiễm với Nhà nước Việt Nam được các cơ quan và người dân đồng ý rất cao. Người dân mong muốn những cam kết này được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; xác định rõ trách nhiệm trong việc đền bù, khắc phục ô nhiễm môi trường...

Ông Phạm Đức Châu cho biết, sau khi xảy ra sự cố cá chết, tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được quan điểm, cách giải quyết của Đảng và Nhà nước ta, tin tưởng tuyệt đối vào cách giải quyết đó đảm bảo tính khách quan toàn diện.

Tỉnh cũng chủ động trích ngân sách hỗ cho ngư dân về gạo, tiền để khắc phục những khó khăn trước mắt.

Hiện tại, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho người dân vùng biển, những người trực tiếp bị thiệt hại chuyển đổi việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, người dân cũng cần cố gắng, chủ động tận dụng có hiệu quả các chính sách của Nhà nước sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Quảng Bình: Nỗ lực hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống

Là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong 4 tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố môi trường biển trong thời gian vừa qua, ưu tiên hàng đầu của tỉnh Quảng Bình là tiếp tục đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.

Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết bất thường, tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát địa bàn, về từng hộ dân để nắm tình hình và triển khai một cách quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cho nhân dân.

Đặc biệt, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh đã phân bổ trên 1.577 tấn gạo cho ngư dân. Các huyện, thị, thành phố trích ngân sách địa phương mua 241 tấn gạo cấp hỗ trợ thêm cho ngư dân; đồng thời hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình chính sách, hộ nghèo.

UBND tỉnh đã trích 19,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu cá có lắp máy dưới 90 CV và 3,5 triệu đồng/tàu cá không lắp máy.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 430 triệu đồng và các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh cũng đã trích quỹ hỗ trợ và vận động giúp đỡ ngư dân trong lúc khó khăn.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương tham mưu phân bổ 13,2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản và làm muối khôi phục sản xuất.

Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến ngày 15/6 đã  có 4.055 khách hàng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường với dư nợ bị ảnh hưởng gần 1.060 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại 739 tỷ đồng.


Thu mua hải sản đánh bắt xa bờ tại cảng cá Sông Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Báo Quảng Bình

Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 105 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 25,8 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 98 khách hàng với số tiền 1,5 tỷ đồng; cho vay mới 102 khách hàng với số tiền 31,5 tỷ đồng; cho vay trên 156,4 tỷ đồng để thu mua hải sản...

Nhằm kích cầu thị trường mua bán hải sản đánh bắt xã bờ của ngư dân, thành phố Đồng Hới đã tổ chức các điểm bán cá sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn. Nguồn sản phẩm bán cho người tiêu dùng do các doanh nghiệp thu mua hải sản có uy tín trên địa bàn thành phố đảm nhiệm cung cấp và được các ngành chức năng kiểm định nguồn gốc, chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại các điểm bán cá sạch đều có bảng niêm yết giá cụ thể đối với từng loại sản phẩm và trong quá trình mua bán đều có sự chứng kiến của đại diện các lực lượng chức năng.

Hà Tĩnh: Thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự sau sự cố môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại gồm 18 thành viên do hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng.

16 thành viên còn lại của Hội đồng gồm giám đốc các ngành: TN&MT, NN&PTNT, LĐTB&XH, Công Thương, VHTT&DL, KH&CN, Tài chính, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, chủ tịch 6 địa phương ven biển.

Hội đồng có trách nhiệm xây dựng đề cương nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian hoàn thành sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương...

Hội đồng có thẩm quyền yêu cầu, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan, Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường của các huyện, thị xã triển khai thực hiện đánh giá thiệt hại bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước; xem xét, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện của Hội đồng cấp huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống

Ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Để tìm được nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố nhiễm độc môi trường biển nghiêm trọng này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, khẩn trương vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền các địa phương cùng trên 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sát cánh cùng người dân các vùng bị thiệt hại.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân