Moitruong24h - Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016, chiều 13/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL”.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông hằng năm khoảng 475 tỷ m3, chuyển trên 420 tỷ m3nước vào ĐBSCL, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa lũ từ tháng 7 đến tháng 11 chiếm đến 90% tổng lượng nước hằng năm, còn mùa kiệt chỉ là 10% tổng lượng nước còn lại.
Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 208.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Ảnh: Cảnh Nhật.
Từ đầu năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90km.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Theo ước tính, tổng diện tích thiệt hại là trên 126.000ha. Trong đó, các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau gần 50.000ha, Kiên Giang khoảng 34.000ha, Bạc Liêu trên 11.400ha và Bến Tre trên 10.700 ha.
Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt tại một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước. Theo thống kê, hiện có khoảng 250.000 hộ gia đình (1,3 triệu người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Cảnh Nhật
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông. Bên cạnh đó, tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để xây dựng các công trình khai thác nước ngầm.
Để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Kông và các rủi ro từ biến đổi khí hậu, GS,TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của chuỗi đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực là một yêu cầu mang tính bắt buộc. Mọi dự án khai thác nguồn nước sông Mê Kông cần được thuyết minh đánh giá tác động lên môi trường của toàn lưu vực.
“Đã đến lúc 6 nước trong khu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền lợi và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ với cả lưu vực”, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân nói.
Cảnh Nhật/Thanhtra
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân