Hotline:
Banner
Tin Nóng

Niềm vui đi học cả ngày của HS vùng khó

14 Tháng Bảy 2016 12:00:21 CH

Moitruong24h - Dạy học cả ngày là một mô hình không chỉ giúp cho HS phát triển một cách toàn diện cả về kiến thức và kĩ năng mà còn hạn chế được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Với các em, mỗi ngày đến trường đã thực sự trở thành những ngày vui. 

Chất lượng dạy - học tăng rõ rệt

Trường Tiểu học số 1 Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là trường nằm trên địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn của huyện Bảo Thắng với 22 thôn bản, trong đó có 7 thôn bản vùng đặc biệt khó khăn.

Sau 5 năm thực hiện dạy học cả ngày theo Chương trình Đảm bảo chất lượng GD trường học (SEQAP), chất lượng của giáo viên (GV) và HS được tăng lên rõ rệt. Nhận thức của cộng đồng, phụ huynh HS và HS vào công tác GD đã tăng lên nhờ thành tích học tập tiến bộ của các em HS.

Cô Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Mục tiêu của chương trình cũng như của nhà trường thực hiện dạy học cả ngày (FDS) nhằm nâng cao chất lượng GD. Chính vì thế, nhà trường đã áp dụng mô hình FDS một cách phù hợp và linh hoạt với điều kiện hoàn cảnh của địa phương và nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Với chương trình này, các em được hoạt động cả ngày, được dạy tăng cường Toán, Tiếng Việt và các môn học khác nhằm đảm bảo yêu cầu kiến thức và phát triển toàn diện cho HS.

Đối với việc tổ chức hoạt động học tập và GD ở trường tiểu học cho HS là sự mở rộng phạm vi xã hội của HS từ môi trường gia đình đến nhà trường, từ nửa ngày đến cả ngày, từ chỉ tập trung dạy kiến thức đến việc rèn luyện kĩ năng và mở rộng các quan hệ xã hội.

Chính vì vậy, nhu cầu được dạy kiến thức và kĩ năng xã hội khác của HS có điều kiện để được đáp ứng. Đặc điểm nổi bật của nhân cách HS trong giai đoạn này là khả năng nhận thức phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động học tập, đời sống cảm xúc, tình cảm chiếm ưu thế với sự hồn nhiên, vui tươi, hay bắt chước những người gần gũi, bản tính hiếu động khó kiềm chế, hành vi ý chí chưa cao.

Dưới tác động của hoạt động học tập, nhân cách của HS có nhiều biến đổi sâu sắc. Việc tổ chức học tập theo lớp, nhóm sẽ tạo được môi trường tập thể, nó như là một phương tiện để tổ chức quá trình học tập tích cực cho từng cá nhân.

Trong tập thể đó, mỗi HS sẽ có môi trường để trải nghiệm, thi đua, thể hiện năng lực, hỗ trợ lẫn nhau tìm ra các phương án giải quyết vấn đề và quan trọng hơn cả là rèn luyện cho HS kĩ năng hoạt động tập thể và khẳng định bản thân.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học cả ngày là tăng cường thời gian học tập của HS phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi và đặc điểm nhận thức trong quá trình học tập của HS. Đồng thời có thêm nhiều thời gian hơn để rèn luyện, chuyển các kiến thức đã tiếp thu được thành kỹ năng, hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của các em.

Hạn chế dạy thêm - học thêm

Dạy học cả ngày là một mô hình không chỉ giúp cho HS phát triển một cách toàn diện cả về kiến thức và kĩ năng, cả dạy chữ và dạy người, mà còn hạn chế được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan.

Về mặt nhận thức, những HS học kém có cơ hội được GV chú ý và hỗ trợ nhiều hơn, HS học khá giỏi được đào sâu kiến thức hơn. Cha mẹ HS sẽ yên tâm hơn khi gửi con em mình cho các thầy cô dạy dỗ cả ngày ở trường và HS có không gian và môi trường sư phạm, an toàn, vừa học vừa tham gia các hoạt động ở trường.

Ngoài ra, với thời khóa biểu học cả ngày, HS được quan tâm, chăm sóc, GD nhiều hơn, HS bán trú được nghỉ trưa ở trường sẽ có nhiều thời gian phục hồi sức khỏe đảm bảo cho học buổi chiều hiệu quả hơn.

Các yếu tố liên quan đến lợi ích của GV trong mô hình dạy học cả ngày

Các GV phải chú ý đến việc phát triển chuyên môn của mình trong điều kiện thực hiện dạy học cả ngày. Đặc biệt là trong quá trình GV phát triển khả năng nhận thức và phẩm chất trí tuệ của HS thông qua hoạt động học tập, rèn luyện tác phong và hành vi đạo đức theo chuẩn mực xã hội trong khi dạy học cả ngày. Việc phân phối thời gian cho dạy học cả ngày tạo điều kiện cho GV đổi mới giáo án cho phù hợp và thời gian giảng dạy được mở rộng, phương pháp và nội dung dạy học cần phong phú hơn.

Chương trình dạy học cả ngày cũng giúp tận dụng hiệu quả GV các môn năng khiếu, GD ngoài giờ. Dó có thêm nhiều thời gian ở trường, nên các em HS được các thầy cô giáo tổ chức, hướng dẫn tham gia thêm nhiều hoạt động GD bổ ích.

Về việc đổi mới phương pháp dạy học, GV được tập huấn và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm và phát huy khả năng của từng cá nhân trong nhóm là một lợi thế trong việc tổ chức dạy học cả ngày. GV dành thời gian cho HS nhiều hơn, GV quan tâm đến HS cũng như hiểu rõ quá trình nhận thức, hành vi của HS hơn. Nhờ đó, chất lượng GD có sự cải thiện rõ rệt.

Các hoạt động phong phú ở trường học cả ngày đã thực sự thu hút các em, HS đến trường với tâm trạng hào hứng chứ không phải gò bó, ép buộc. Những năm gần đây không còn tình trạng thầy cô phải đến tận nhà vận động HS ra lớp, không có tình trạng ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ. Các em được học tập, được vui chơi, được phát huy khả năng của mình trong môi trường học tập mới.

Tại một số điểm trường, phụ huynh mong muốn được tiếp tục triển khai SEQAP để con em họ có thể ở trường cả ngày để bố mẹ yên tâm đi nương rẫy mà không phải bận tâm đến con cái họ. Ở trường với thầy cô, với bạn bè, các em không những được hoạt động, sinh hoạt khoa học mà còn đảm bảo được sự an toàn.

 

Việt Cường/ GDTĐ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân