Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bộ GD&ĐT khởi động xây dựng Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”

09 Tháng Bảy 2016 4:38:36 CH

Moitruong24h - Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các Học viện, trường Đại học và Cao đẳng báo cáo việc thực hiện hướng nghiệp, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp. Đây là căn cứ để Bộ hoàn thiện cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”.


Thời hạn các Học viện, trường Đại học và Cao đẳng được yêu cầu gửi Bộ GD&ĐT báo cáo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh  viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp là trước ngày 20/7/2016 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Đại học, Học viện, các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước về việc báo cáo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp.

Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi  nghiệp” và trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I/2017.

Để có cơ sở thực tiễn và những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường báo cáo việc thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp tại các đơn vị trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp triển khai công tác này trong thời gian tới.

Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trong báo cáo gửi về Bộ, các trường cần nêu rõ thực trạng công tác hỗ trợ sinh viên, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp của nhà trường, với các nội dung: đội ngũ cán bộ, những công việc đã và đang triển khai, kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc.

Bên cạnh đó, trong báo cáo này, các Đại học, Học viện và các trường Đại học, Cao đẳng cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về giải pháp của nhà trường đối với công tác tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp  và khởi nghiệp; đồng thời đưa ra các đề xuất kiến nghị.

Thời hạn để các Học viện, trường Đại học và Cao đẳng gửi báo cáo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Công tác Học sinh, sinh viên) là trước ngày 20/7/2016 để Bộ tổng hợp và hoàn thiện cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án.

Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được Chính phủ ban hành ngày 16/5/2016 với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/ năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.


Các cựu sinh viên ĐH FPT khởi nghiệp thành công: Nguyễn Hà San, GĐ Marketing tại TechKids-Coding school và ILIAT school đại sứ Google Việt Nam; Nguyễn Việt Hùng, CEO Colour Me; Đỗ Tiến Hưng, CEO G.V.N chia sẻ tại  lễ phát động cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên Start-up Uni 2016.

Tại Nghị quyết 35, Chính phủ cũng xác định rõ 1 trong 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới là tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, đối với Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã giao Bộ này chủ trì, phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I/2017; đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có các doanh nghiệp CNTT đánh giá cao. Đơn cử như, trong tham luận tại tọa đàm Báo chí đồng hành cùng doanh nhân doanh nghiệp diễn ra ngày 10/6/2016 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hanel nhận định, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 là Nghị quyết quan trọng thể hiện quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp và quyết tâm rõ ràng của Chính phủ nhằm xây dựng một Nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Đáng chú ý, trong kiến nghị nhằm đưa Nghị quyết 35 của Chính phủ vào cuộc sống, ông Bình đã nhấn mạnh, Nghị quyết 35 cũng đề cập nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đưa chương trình khởi nghiệp vào giáo dục đại học, tạo làn sóng khởi nghiệp cho toàn xã hội. Theo ông Bình, đây là một chủ trương phù hợp với xu thế của thế giới khi tiến vào nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.

“Chúng ta đã có những làn sóng khởi nghiệp như sự bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân sau thời mở cửa. Vì thế cần đặt vấn đề của giáo dục khởi nghiệp ngay từ trường phổ thông. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Obama đã hai lần nhắc đến khái niệm và sự hợp tác cho giáo dục khởi nghiệp, đó là: “Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học” gọi tắt là Giáo dục STEM. Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, Hanel đã triển khai các hoạt động giáo dục STEM cho khoảng 50.000 lượt học sinh trên toàn quốc, và nhiều đơn vị khác cũng đã tham gia vào liên minh STEM. Có thể nói Giáo dục STEM song hành với việc phát triển văn hóa đọc đã chứng tỏ được sự hiệu quả để học sinh có khả năng tự học, khả năng sáng tạo để trở thành những con người phù hợp trong nền kinh tế khởi nghiệp. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có một số hoạt động về giáo dục STEM nhưng rõ ràng giáo dục STEM cần được nâng tầm thành một chiến lược quốc gia”, ông Bình đề xuất.

 

 

M.T/ICT NEWS

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân