Moitruong24h - "Tôi tin rằng, những người phụ nữ ở vào hoàn cảnh như tôi, chúng tôi cần lắm sự cảm thông, chia sẻ nhưng tuyệt đối không phải là sự thương hại..."
Mùa hè năm 2009, trong một chuyến bay huấn luyện thực hiện nhiệm vụ trên chiếc máy bay SU-22, do máy bay gặp sự cố trên không, đại úy - phi công Trần Thanh Nghị (Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ) đã hi sinh trên bầu trời tỉnh Thanh Hóa.
Khi đó, vợ anh, đại úy - nhà báo Đặng Thị Bích Trang chưa đầy 27 tuổi, con gái đầu lòng của họ mới 4 tuổi và chị Trang đang mang thai đứa con thứ hai. Hạnh phúc tưởng như yên bình, ấm áp bỗng chốc vuột khỏi tầm tay.
50 ngày sau khi chồng hi sinh, chị Trang sinh con giữa bao khó khăn chồng chất. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, chị còn thay chồng chăm sóc bố mẹ anh.
"Con cất tiếng khóc chào đời đúng vào ngày 27/7, ngày có nhiều đồng đội đến thắp hương cho cha. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, của ông bà và tất cả mọi người trong nhà, nhưng con vẫn không hiểu tại sao cứ đến sinh nhật con, trong khi bọn trẻ con vui cười hớn hở thì con lại bắt gặp đôi mắt giàn giụa nước mắt của bà, của mẹ, cái gạt tay xua vội nước mắt còn vương trên má của người lớn khi thấy con nhìn. Con không hiểu. Mới ba tuổi, con sao có thể hiểu nổi điều đó!", đó là những dòng tâm sự của chị Bích Trang vào sinh nhật 3 tuổi của con trai mình.
Đại úy Đặng Thị Bích Trang
Đại úy Đặng Thị Bích Trang hiện là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Tâm sự về người chồng đã hi sinh, chị trải lòng: "Thời gian có thể làm vơi đi nỗi đau của sự mất mát, nhưng vết sẹo của sự mất mát ấy sẽ mãi không thể lành".
Chị viết cho con trai trong sinh nhật ngày 27/7: "Những ngày con còn trong bụng, mẹ gặm nhấm nỗi đau của sự thiếu vắng và hụt hẫng một mình. Mẹ gồng mình chống lại mọi cảm giác và suy nghĩ tuyệt vọng để bảo vệ con. Có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Nhưng mẹ đã đi được đến hôm nay rồi, con trai ạ. Con có biết điều gì giúp mẹ làm được điều ấy không? Mẹ đã tìm được cuốn sổ ghi chép của cha con".
Cuốn số ghi chép của đại úy - phi công Trần Thanh Nghị đề ngày 5/3/1999 tại Cam Ranh chứa đựng những dòng tâm sự gan ruột và lay động lòng người. Đó là lần lần đầu tiên trong đời anh được bước lên ngồi vào buồng lái máy bay và bay lên bầu trời cao vợi - chuyến bay đầu tiên, dấu mốc thiêng liêng trong cuộc đời binh nghiệp.
"Một chuyến bay chỉ 30 phút thôi cũng đủ để tôi hiểu rằng điều khiển một "cái máy" lên trời không phải là dễ. Điều đó tôi không bao giờ quên", phi công Trần Thanh Nghị viết.
Nhà báo - đại úy Đặng Thị Bích Trang chia sẻ, khi đọc lại những dòng nhật ký của chồng, chị luôn nghĩ rằng anh không chỉ viết cho riêng mình mà còn viết để cho vợ con và đồng đội của anh-những người lính bay.
Chị Trang và các con
"Tôi hiểu vì sao những lần về phép hay đi tranh thủ, anh rất vui vì được ở bên gia đình, vợ con nhưng khi nhìn lên bầu trời, anh vẫn tự nhủ: "Hôm nay trời đẹp quá, tầm nhìn phải 2-3km. Ở đơn vị có khi anh phải bay được mấy ban".
Tình yêu của anh dành cho bầu trời Tổ quốc, khát vọng chinh phục của anh có khi còn cao hơn cả những tầng mây thăm thẳm trên bầu trời vời vợi kia. Tôi hiểu vì sao chỉ hai tuần sau ngày anh ra đi, đồng đội của anh trong đơn vị lại tiếp tục cất cánh. Họ đã, đang và sẽ bay mãi", chị Bích Trang tâm sự.
Trước thông tin về các chiến sĩ hi sinh trong vụ máy bay rơi, khi nhận được câu hỏi về cảm xúc, chị Bích Trang nghẹn ngào: "Biết nói thế nào đây? Tôi đã căng thẳng, lo lắng và hoang mang. Các chiến sĩ đều là những người anh, người bạn thân thiết của chồng tôi và gia đình tôi. Anh Trần Quang Khải là một trong những người thầy đầu tiên của chồng tôi khi về đơn vị. Anh Toàn, anh Chính nữa... Buồn đau và thương tiếc lắm! Nhất là khi lại nghĩ đến các gia đình, lại thêm những người phụ nữ và những đứa trẻ bơ vơ như mẹ con tôi".
Chồng hi sinh năm 2009, tình yêu thương của đại úy Đặng Thị Bích Trang dành cho các con (một cháu gái sinh năm 2005, cháu trai sinh năm 2009) càng tăng lên gấp bội. Đối diện với sự hi sinh của các chiến sĩ vụ máy bay rơi, chị Trang bộc bạch: "Mặc dù chuyện của gia đình tôi không phải mới xảy ra, nhưng cái cảm giác nghe và biết các anh ấy hi sinh nó lại dội nỗi đau không khác ngày tôi nghe tin dữ của chồng là mấy. Các chị vợ phi công lại gọi nhau thăm hỏi, động viên rồi cố kìm tiếng khóc".
Mỗi năm, cứ sắp đến ngày 27/7, chị Trang lại lần giở những bức thư, những trang nhật ký mà chồng để lại cho ba mẹ con. "Nhìn vào mắt con trai, tôi như nhìn thấy nụ cười của anh vẫn đọng lại trên không gian xanh biếc của bầu trời lộng gió. Tôi và các con sẽ bước tiếp con đường phía trước, một cách xứng đáng vì tôi hiểu, trên mỗi bước chân của mẹ con tôi, vẫn có anh đồng hành", chị Bích Trang nói.
Phát biểu tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015, đại úy Đặng Thị Bích Trang tâm sự: "Tôi tin rằng, những người phụ nữ ở vào hoàn cảnh như tôi, chúng tôi cần lắm sự cảm thông, chia sẻ nhưng tuyệt đối không phải là sự thương hại. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục vượt qua hoàn cảnh, tự tin trong công tác và làm chủ cuộc sống của mình".
Thùy Phương/GĐ&XH
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân