Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bộ Y tế cung ứng khẩn cấp vắc-xin khống chế ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước

14 Tháng Bảy 2016 7:59:40 CH

Moitruong24h - Trước việc tỉnh Bình Phước phát hiện ổ dịch bạch hầu khiến 3 người tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang khẩn cấp bố trí nguồn vắc-xin bạch hầu tiêm chủng cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao trong vùng có dịch bạch hầu tại tỉnh Bình Phước.

Từ ngày 24-6 đến nay một số thôn của 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú xuất hiện dịch bạch hầu khiến 3 ngưởi tử vong, 47 người đang có triệu trứng của bệnh bạch hầu. Ngay sau khi xảy ra ổ dịch, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã phối hợp Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xét nghiệm, khử khuẩn vùng dịch bệnh để đánh giá điều trị, dự phòng. Hiện Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẩn trương hỗ trợ địa phương giám sát, khống chế và lên kế hoạch tiêm vắc-xin cho đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.


Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa theo internet

Theo Cục Y tế dự phòng, nguồn vắc-xin trên được huy động từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế, dành riêng cho chống dịch, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên (khác với vắc-xin bạch hầu đang được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm cho 2 đến 4 tháng tuổi).

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo… Đây là bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh, gây biến chứng viêm cơ tim khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị sớm, kịp thời. Bệnh cũng rất dễ gây dịch trên diện rộng bởi vi khuẩn gây bệnh lây qua đường hô hấp, trong khi đó, nhiều người lành mang trùng không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn là ngồn lây ra cộng đồng.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch;  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

 

 

 

Thái Sơn/QĐND

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân