Hotline:
Banner
Tin Nóng

Biến đất công thành tư, Chủ tịch huyện thoát tội

01 Tháng Bảy 2016 10:03:31 SA

Moitruong24h - Đất nông nghiệp của xã giao thầu lại được UBND huyện cấp “sổ đỏ” đất ở cho dân… Vụ việc bị phanh phui khi người dân tố cáo… Tuy nhiên, lãnh đạo huyện chỉ bị kiến nghị xử lý hành chính, trong đó người cao nhất là Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Châm điềm nhiên vào danh sách đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Gần 1.000m2 đất nông nghiệp giao thầu cho Lê Công Lộc đã bị Lộc san lấp và được cán bộ xã, huyện tiếp tay cấp "sổ đỏ" đất ở cùng nhà tạm dựng trên đó. Ảnh: Đinh Lê.

Biết sai vẫn làm?

Chủ tịch UBND xã Tiên Dương, ông Lê Quang Hiếu cho hay, người dân nơi đây đang mong ngóng cơ quan pháp luật giải quyết nhanh chóng vụ án mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Lễ Pháp. Vụ án đã được phanh phui kéo dài 7 tháng nay, kể từ khi có Kết luận điều tra của cơ quan công an.

Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội: Ngày 1/5/2005, Hợp tác xã Lễ Pháp cùng thôn Lễ Pháp ký hợp đồng cho ông Lê Công Lộc (SN 1978, trú tại thôn Lễ Pháp) thuê thầu 6.935m2 khu đầm Giếng trong thời hạn 10 năm để nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả.

Sau khi được thuê thầu, ông Lộc đã tự ý san lấp 887m2 ao, rồi làm đơn trình UBND xã Tiên Dương và UBND huyện Đông Anh xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên diện tích 887m2 với lý do đây là “đất ở lâu dài do bố mẹ cho...”.

Thôn Lễ Pháp, nơi xảy ra việc các bộ xã, huyện cấp "sổ đỏ" gần 1.000m2 đất ở trái luật trên đất nông nghiệp. Ảnh: Đinh Lê.

Mặc dù biết rõ diện tích đất Lê Công Lộc xin cấp là đất nông nghiệp (thuê thầu), nhưng Nguyễn Thành Vỹ (cán bộ địa chính xã) và Hoàng Ngọc Thuyên (Chủ tịch UBND xã lúc đó) vẫn ký xác nhận với nội dung: “Diện tích 887m2 là thửa đất số 58, thuộc tờ bản đồ số 80 là đất ở bố mẹ Lộc sử dụng từ năm 1979 cho”, sau đó trình UBND huyện Đông Anh làm thủ tục cấp “sổ đỏ” đất ở... Trong khi, hồ sơ địa chính xã thể hiện thửa đất số 58 trong tờ bản đồ số 80 chỉ có diện tích 188m2, đã được UBND huyện Đông Anh cấp GCNQSDĐ cho ông Lê Quang Trọng ở xã Tiên Dương...

Những tưởng trò “phù phép”, xác nhận sai trái về đất đai quá lộ liễu của 2 cán bộ xã Tiên Dương nói trên sẽ bị cán bộ UBND huyện Đông Anh phát giác, xử lý nghiêm, nhưng không, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường (TN&MT) huyện Đông Anh lại tiếp tay cho sai phạm ở mức độ trầm trọng hơn.

Cụ thể, cán bộ Phòng TN&MT huyện Dương Xuân Hải tiếp tục “hợp thức” bằng cách vẽ bổ sung phần diện tích mà Lê Công Lộc xin cấp GCNQSDĐ vào trong bản đồ địa chính, rồi trình Nguyễn Văn Sỹ (nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh) phê duyệt...

Bộ hồ sơ “dởm” của ông Lộc đã hoàn thiện trót lọt rồi cuối cùng được hợp pháp hóa bằng chữ ký của ông Tô Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Anh vào ngày 11/11/2008.

Lọt người, lọt tội hình sự?

Một tình tiết nữa đã không khỏi làm dư luận nghi vấn, đó là tấm “sổ đỏ” bất hợp pháp của ông Lộc được cấp năm 2008 lại được ông Lộc báo mất và nhanh chóng được UBND huyện Đông Anh cấp lại vào năm 2009 bởi tân Chủ tịch UBND Phạm Văn Châm.

Nhà tạm dựng trên đất nông nghiệp được cấp "sổ đỏ" trái pháp luật. Ảnh: Đinh Lê.

“Sổ đỏ dởm” bị phanh phui, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và đề nghị Viện KSND TP truy tố các bị can Nguyễn Thành Vỹ, Hoàng Ngọc Thuyên, Dương Xuân Hải và Nguyễn Văn Sỹ với tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281 Bộ luật Hình sự) ra trước pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Vấn (xã Hải Bối), một cựu chiến binh chống tham nhũng cho biết: “Sổ đỏ” này đã được Lộc mang đi thế chấp và chuyển nhượng tới 3, 4 lần và được các chủ sau này mang đi thế chấp vay gần 8 tỷ đồng của Vietcombank từ năm 2010 đến nay không có khả năng chi trả vì thế chấp “sổ đỏ dởm”. Khi CQĐT yêu cầu cung cấp hồ sơ gốc “sổ đỏ” này thì Phòng TN&MT báo bị “mất” chưa tìm thấy”.

Ông Vấn cho rằng việc mất hồ sơ này là có chủ định để nhằm “xóa” dấu vết, chứng cứ sai phạm và đối phó với CQĐT.

Nhận xét về các cán bộ huyện Đông Anh trong “đường dây” làm sổ đỏ dởm này, CQĐT nhận định: “Hành vi của Tô Văn Minh, Nguyễn Tuấn Đức (cán bộ Phòng TN&MT), Đỗ Quốc Đính (Phó phòng TN&MT) và Phạm Văn Châm có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, CQĐT lại cho rằng không xem xét xử lý hình sự Minh, Châm, Đức, Đính mà chỉ kiến nghị xử lý hành chính vì mấy cán bộ lãnh đạo này đã “tin” vào việc thẩm định hồ sơ của cán bộ Phòng TN&MT, bản thân lại không có “tư lợi”.

Ông Vấn bức xúc: “Những sai phạm này là nghiêm trọng, liên quan với nhau một cách có hệ thống, không thể cấp dưới bị đề nghị xử lý hình sự, trong khi cấp trên có dính líu thì không bị xử lý hình sự chỉ vì “tin tưởng” cấp dưới. Liệu có sự bao che hay uẩn khúc gì sau vụ án này? Thậm chí sai phạm đã có kiến nghị xử lý cho dù là hành chính hay hình sự thì cũng đã mắc sai phạm, nhưng Huyện ủy Đông Anh cứ ỉm vụ án này đi và vẫn giới thiệu ông Phạm Văn Châm tham gia ứng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đông Anh và HĐND tại kỳ bầu cử vừa qua”.

Trong phiên tòa hình sự tới đây, hy vọng tòa án sẽ xét xử một cách nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

 

Nguồn: thanhtra.com.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân