Moitruong24h - Thiếu tướng Kiều Lương, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã có bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, dọa nạt: Người Mỹ biết rõ, nếu khai chiến, 2 tàu sân bay có thể sẽ không có đường quay về.
Ngày 16/7/2016, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường đến Australia củng cố đồng minh "tự do đi lại" ở Biển Đông. Ảnh: BBC Anh.
Đồng minh “tự do đi lại”
BBC Anh ngày 16/7 cho biết ngày 16/7 Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu tiến hành chuyến thăm Australia. Ông sẽ tận dụng cơ hội thăm châu Á-Thái Bình Dương lần này tiếp tục cảnh cáo Trung Quốc "phải cùng các nước khác tuân thủ quy tắc quốc tế".
Sau khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc công bố phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines liên quan tranh chấp Biển Đông, quan chức Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhắc nhở Trung Quốc nhất định phải phục tùng phán quyết.
Khi trả lời phỏng vấn tờ Sydney Morning Herald, Phó Tổng thống Joe Biden nói: "Chúng tôi trông đợi Trung Quốc cũng như các nước khác tuân thủ các quy tắc quốc tế".
Được biết, một nhiệm vụ lớn trong chuyến thăm Australia của ông Joe Biden chính là bàn bạc với nước chủ nhà cách thức tăng cường đồng minh quân sự Mỹ-Australia và hợp tác thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ tự do đi lại" ở Biển Đông.
Chính phủ Mỹ và Australia đã cho biết rõ, phán quyết của PCA về vấn đề Biển Đông là phán quyết cuối cùng và có khả năng ràng buộc.
Mỹ và Australia còn đồng thời cho biết sẽ bắt tay bảo đảm, bảo vệ "trật tự quốc tế tự do" và "tự do hàng hải và hàng không" ở Biển Đông.
Phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc hầu như đã cơ bản thừa nhận lập trường của Philippines và phủ định hoàn toàn tất cả "quyền lợi lịch sử" của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Phán quyết chỉ rõ yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh ở Biển Đông (bản đồ vẽ bậy vào thập niên 1940) đã xâm phạm lợi ích của các nước xung quanh.
Trong thời gian đầu công bố phán quyết, Trung Quốc liên tục tái khẳng định lập trường "không thừa nhận, không chấp nhận, không thực hiện" và châm biếm phán quyết này là một "tờ giấy lộn".
Hai tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Đa Chiều.
Tuy nhiên, Philippines và Việt Nam đã bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ đối với phán quyết. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng dồn dập yêu cầu Trung Quốc "phục tùng phán quyết", "tuân thủ quy tắc quốc tế".
Quan hệ Trung-Mỹ có xu hướng căng thẳng
Tờ Đại kỷ nguyên tiếng Hoa có trụ sở tại Mỹ ngày 15/7 cho rằng, sau khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, quan hệ Trung-Mỹ có xu hướng căng thẳng.
Ngày 13/7, Quốc hội Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc liên quan vụ kiện Biển Đông của Philippines, các quan chức tham dự đã bày tỏ thái độ cứng rắn.
Trong phiên điều trần này, Thượng nghị sĩ Mỹ Cory Garder khẳng định, phán quyết này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, đã tăng cường quyền lợi “tự do đi lại” của Mỹ ở khu vực này theo luật pháp quốc tế.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell đề xuất, Mỹ phải quan tâm hơn đến các thách thức trong khu vực, cùng đồng minh thực hiện quyền lợi tự do đi lại.
Hai tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Đa Chiều.
Ông Campbell kiến nghị chính quyền Barack Obama bảo đảm cho phán quyết này của PCA có ảnh hưởng lâu dài mà không làm leo thang tình hình căng thẳng ở Biển Đông bằng cách:
Triển khai ngoại giao công chúng ủng hộ phán quyết này; cảnh cáo Trung Quốc không được có các hành động làm bất ổn khu vực; tiến hành quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông; khuyến khích các nước đương sự ở Biển Đông giải quyết tranh chấp trên tòa trọng tài.
Trong phiên điều trần, Cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc nghỉ hưu Blair kêu gọi Mỹ “cần sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự” phản đối các hoạt động bành trướng do Trung Quốc tiến hành ở các đảo, đá “tranh chấp” trên Biển Đông.
Đô đốc Blair cho rằng điểm yếu chủ yếu trong sách lược Biển Đông của Mỹ là Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp. Ông thúc giục các bên liên quan tự kiềm chế và tiến hành đàm phán. Mỹ có thể áp dụng lập trường ủng hộ Philippines trong vấn đề bãi cạn Scarborough, “khi cần thiết thì sử dụng vũ lực”.
Tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh:Sina.
Báo Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 10/7 cho rằng để buộc Trung Quốc phải chấp nhận kết quả trọng tài, Mỹ đã triển khai 7 tàu chiến trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông, 3 tàu khu trục Aegis.
Trong khi đó, ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đe dọa: Nếu người nào có ý định sử dụng kết quả phán quyết, tiến hành các hành động gây thiệt hại cho cái gọi là “lợi ích an ninh” của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ tiến hành đáp trả thẳng tay
Kiều Lương - Thiếu tướng Không quân PLA, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Ngày 14/7, Thiếu tướng Kiều Lương, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã có bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, dọa nạt: Người Mỹ biết rõ, nếu khai chiến, 2 tàu sân bay có thể sẽ không có đường quay về. Ông ta nhấn mạnh ưu thế địa lý của Trung Quốc ở Biển Đông, còn Mỹ từ xa đến.
Tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông cho rằng, hiện nay, Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng thái độ tương đối kiên định trong vấn đề Biển Đông, hơn nữa, Trung Quốc và Mỹ tồn tại mâu thuẫn căn bản và xung đột lợi ích về an ninh khu vực, dự đoán quan hệ Trung-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Lê Việt Dũng/VietTimes
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân