Moitruong24h - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã giúp nông dân tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, cán bộ Hội các cấp đã từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất cho nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất ở một số địa phương. Các lớp tập huấn về khoa học và công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa và làm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức của hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội đã trực tiếp thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hàng ngàn Câu lạc bộ (CLB) “Khoa học kỹ thuật nhà nông”; giai đoạn 2011-2015 đã tổ chức gần 1.000 lớp tập huấn về khoa học và công nghệ cho các chi Hội trưởng nông dân ở các thôn làm điểm xây dựng nông thôn mới; tập huấn về kỹ năng điều hành hoạt động CLB, kiến thức khoa học công nghệ mới, kỹ năng truy cập thông tin trên mạng Internet cho hội viên nông dân…
Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của nông dân - Ảnh: HM
Công tác ứng dụng, chuyển giao học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân được các cấp Hội triển khai hiệu quả. Trong đó, có việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới, các mô hình sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao. Các hoạt động này đã trực tiếp, gián tiếp khẳng định hoạt động khoa học và công nghệ của Hội góp phần vào nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội nông dân nông thôn.
Song song với đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đến cuối năm 2015, các cấp Hội đã tổ chức được 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học vào sản xuất cho trên 15 triệu lượt hội viên nông dân tham gia; tổ chức 54.125 cuộc hội thảo khoa học đánh giá kết quả triển khai và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng và chuyển giao thành công 480 mô hình khoa học công nghệ cho nông dân; tổ chức 3.900 lớp tập huấn kiến thức kinh tế tập thể với 12.707 lượt người tham gia, đồng thời xây dựng 14.640 mô hình kinh tế tập thể; 270.000 lớp tập huấn hướng dẫn nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội với 16,2 triệu lượt người tham gia…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Lý khẳng định, công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân của các cấp Hội Nông dân trong những năm qua đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của nông dân trên thị trường trong và ngoài nước, bước đầu hình thành được thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đều cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho các gia đình nông dân được tham gia trực tiếp vào các dự án ở 63 tỉnh, thành phố. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã tạo được nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều hộ gia đình nông dân.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa, biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học và công nghệ để thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ..., góp phần phát triển sản xuất bền vững.
Nhóm nông dân sản xuất và xuất khẩu vải thiều ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) có 23 hộ trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 10ha. Ông Giáp Văn Thành - nhóm trưởng cho biết, việc tiêu thụ nội địa rất thuận lợi bởi các doanh nghiệp uy tín đến thu mua. Giá vải thu mua tại vườn là 19.000 đồng/kg. Tuy giá bán không cao so với vải sản xuất thông thường nhưng do chi phí giảm về vật tư phân bón, công chăm sóc nên lợi nhuận của người trồng vải thiều GlobalGAP vẫn đảm bảo.
Việc đầu tư công nghệ mới vào sản xuất giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định - Ảnh: HM
Từ việc yêu thích công nghệ, một “Hai lúa” - anh Võ Văn Chưng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng đầu tư phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đầu tiên ở Hậu Giang, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt trên diện tích khoảng 2.000m2. Quy trình tưới tại mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM chuyển giao. Kỹ thuật tưới này đã quản lý chặt chẽ lượng nước tưới cho cây. Quy trình được lập trình sẵn với chu kỳ 10 lần/ngày, mỗi lần tưới 2 phút. Mô hình tiết kiệm tới 80% lượng nước so với cách tưới thông thường.
Tuy dưa lưới là loại cây trồng còn mới mẻ ở Phụng Hiệp, nhưng theo đánh giá của anh Chưng, dưa trồng ở đây có chất lượng trái tốt, trên 90% quả đạt loại 1, tỷ lệ hao hụt chưa tới 3%. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được 3 - 4 vụ/năm.
Từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã mang lại cho anh Võ Văn Chưng nguồn thu nhập cao, ổn định. Từ sự thành công của anh, người dân trong vùng có thêm niềm tin để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Trung ương Hội, hiện trình độ, hiểu biết về khoa học và công nghệ, năng lực triển khai các hoạt động về khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ Hội các cấp hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trình độ của đại đa số hội viên nông dân còn thấp, khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến, chăn nuôi…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang Trần Văn Chiến cho biết: Với đặc thù miền núi, địa bàn rất rộng, có mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật Hội triển khai có hiệu quả, nhưng cũng có mô hình do năng lực của cán bộ Hội và người nông dân còn yếu nên hiệu quả không cao; từ đó dẫn đến việc tuyên truyền khoa học kỹ thuật cho nhà nông của Hội chưa sâu rộng. Vì thế, Chủ tịch Hội Nông dân Tuyên Quang cho rằng, mô hình các nhà khoa học đã nghiên cứu thử nghiệm có hiệu quả thì chuyển cho Hội tuyên truyền nhân rộng trong bà con nông dân.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, các cấp Hội sẽ thường xuyên phát động trong cán bộ, hội viên nông dân tích cực tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, chế tạo các công cụ để ứng dụng ngay vào phục vụ sản xuất và đời sống của nông dân. Ưu tiên tập huấn, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả, bền vững, có sức lan tỏa trong cộng đồng để từ đó nhân rộng các mô hình vào thực tiễn; hỗ trợ và bảo vệ nông dân xây dựng bản quyền tác giả, thương hiệu sản phẩm và sở hữu trí tuệ các công trình khoa học của nông dân. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Hội trực tiếp tham gia công tác khoa học và công nghệ…/.
Hoàng Mẫn/Đảng Cộng Sản
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân