Moitruong24h - Là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là gương mặt tiêu biểu của thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), cô Phùng Thị Thanh Hương – giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng đã vinh dự được về tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc.
Về dự Liên hoan, cô Hương đã chia sẻ một số kinh nghiệm giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua hoạt động trong ngày.
Hướng dẫn học sinh những kỹ năng ban đầu
Theo cô Hương, giáo dục bảo vệ môi trường có thể làm thay đổi những thái độ, hành vi tiêu cực hiện nay và tạo ra nền tảng, thái độ hành vi đúng đắn đối với môi trường sau này.
Cô giáo mầm non luôn đóng vai trò quan trọng đối với việc cung cấp cho trẻ một số hiểu biết ban đầu về ý thức, hành vi bảo vệ môi trường qua các hoạt động học và chơi ở trường mầm non. |
Vì vậy căn cứ vào nội dung từng chủ đề và các hoạt động trong này, giáo viên có thể lựa chọn nội dung bảo vệ môi trường và phương pháp tích hợp phù hợp thông qua hoạt động một ngày của trẻ.
Đơn cử như giáo viên có thể hướng dẫn trẻ những hiểu biết ban đầu về bảo vệ môi trường đối với con người như: Giữ gìn lớp sạch sẽ, biết cất dọn đồ chơi, biết nhặt rác và bỏ rác vào đúng nơi quy định.
Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh những kỹ năng hành vi đơn giản để bảo vệ môi trường như: Giữ gìn thân thể, vệ sinh cá nhân, chăm sóc đầu tóc, sắp xếp, trang trí, làm sạch đẹp phòng học và phòng ở; chăm sóc một số con vật nuôi gần gũi và thực hành chăm sóc bảo vệ môi trường và hành động cụ thể của trẻ.
Thông qua các hoạt động trên, giáo viên có thể quan sát thái độ, tình cảm của trẻ đối với môi trường. Từ đó có thể uốn nắn và hướng cho trẻ bộc lộ thái độ về ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đồng thời biết cách giữ gìn bảo vệ môi trường lớp học, gia đình và cộng đồng.
Giáo dục bảo vệ môi trường vào các hoạt động hàng ngày cho trẻ ở trường mầm non là một hoạt động quan trọng, giúp hình thành ở trẻ nhân cách con người tốt đẹp, góp phần cải thiện thực trạng môi trường hiện nay. |
Theo cô Hương, giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ 5-6 tuổi có thể tích hợp vào các hoạt động như: con người và môi trường xã hội; con người và thế giới động vật, con người và hiện tượng tự nhiên, con người và tài nguyên.
Theo đó, giáo viên cần biết kết hợp với phụ huynh để cùng xây dựng môi trường thiên nhiên ngay trong và ngoài lớp như: tạo cây xanh, hoa quả, đồ dùng đồ chơi, tranh ảnh về các hoạt động hàng ngày của mọi người xung quanh nhằm tạo sự gần gũi, thân thiện với trẻ
Ngoài ra, giáo viên có thể sưu tầm và vận động phụ huynh ủng hộ truyện, tranh ảnh có liên quan đến môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường như: Truyện “ai có lỗi”, “Nỗi đau của lá”, “chim gõ kiến và cây sồi”; bài hát “Em yêu canh xanh”, “ra chơi vườn hoa”; các bài thơ như: “bé quyét rác” , “cây táo ngọt” và “hoa kết trái” v.v…
Bên cạnh đó, giáo viên có thể cùng với các em học sinh trực tiếp làm đồ chơi bằng các nguyên vật liệu mở như: Bình tưới, lọ hoa, chậu hoa, các con vật, con rối các loại; sưu tầm các tranh ảnh có nội dung bảo vệ môi trường cho trẻ như: tranh trồng cây, tranh danh lam thắng cảnh, tranh vứt rác đúng nơi quy định, tranh chặt phá rừng v.v..
Thông qua đó, giáo viên hướng dẫn trẻ hình thành thói quen, hành vi bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi của mình. Đồng thời, biết cách sống tích cực với môi trường để đảm bảo sự phát triển lành mạnh về cơ thể và trí tuệ.
Minh Phong/Giáo Dục Thời Đại
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân