Moitruong24h - Sau những kỳ thi căng thẳng như vào lớp 10, tốt nghiệp THPT, có những học sinh thành công và tất yếu cũng có những em thất bại. Cha mẹ, bên cạnh việc tạo động lực để con thi tốt, cũng phải có sự chuẩn bị tâm lí cho con trong trường hợp kết quả thi không như ý nguyện…
Nỗi lo sức khoẻ tâm thần tuổi học trò
Mấy tuần nay, hễ nghe ai hỏi về kết quả thi của con hoặc ý định học trường đại học nào chị Thanh Hòa (Trần Quốc Toản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) đều nhẹ nhàng trả lời: “Vâng, cháu cũng đã nỗ lực cố gắng rồi, nhưng kết quả thế nào thì phải khi công bố điểm thi mới có căn cứ để đăng ký nộp hồ sơ chọn trường….”. Nói với ai chị cũng “quán triệt” tinh thần ấy, bởi gia đình chị đã bị hứng chịu một cơn dư chấn tinh thần dai dẳng suốt ba năm qua.
Thành Trung, con trai đầu lòng của chị rất ham học và thông minh. Cái đích vào Trường Amsterdam như đã trong tầm tay, đùng một cái trước ngày thi thằng bé bị cảm nặng. Nó đi thi trong tình trạng sức khỏe khật khừ. Thiếu một điểm vào trường chuyên nhưng thằng bé vẫn đỗ điểm cao vào một trong những trường tốp đầu của thành phố, nhưng nó cứ coi như sự nghiệp học hành đã chấm hết, suy sụp hoàn toàn trước thất bại đầu đời. Nó dằn vặt, đau đầu mất ngủ, giận dữ, trách móc bản thân rồi đổ lỗi cho mọi người. Học hết cả học kỳ I lớp 10 rồi mà cậu bé vẫn chưa chấp nhận được sự thật. Chị Hòa trấn an, động viên con cách nào cũng không giúp được con khuây khỏa.
Nhờ người thân, cô giáo, anh chị trong họ hàng từng học hoặc trượt trường chuyên giải thích, khích lệ giải tỏa tinh thần cho con nhưng vô hiệu. Mời bác sĩ tâm lý đến nhà tâm tình với thằng bé như một người bạn của bố mẹ cũng không xong. Khi chứng bệnh rối loạn cảm xúc của Trung ngày càng nặng thêm, chị buộc phải dùng biện pháp mạnh mới đưa được con đến điều trị ở bệnh viện sức khỏe tâm thần.
Những ngày cùng con “chiến đấu” để tìm lại sự cân bằng trong trạng thái tinh thần, chứng kiến nhiều trường hợp các bạn trẻ khác phải vào đây vì áp lực học tập, tâm lý bất ổn, cô đơn, không tìm được sự trợ giúp... chị Hòa càng thấy thấm thía sự nguy hiểm của căn bệnh mà con mình đang mắc phải.
Tránh làm tổn thương
Hơn ai hết, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần có kiến thức để hiểu về đặc điểm nhạy cảm của thanh thiếu niên, tránh làm tổn thương các em hoặc nhận biết về các dấu hiệu “nguy hiểm” khi con trẻ căng thẳng, suy sụp để có các can thiệp kịp thời. Có rất nhiều tác nhân có thể gây nên áp lực tâm lý nặng nề cho học sinh: Sự kỳ vọng của cha mẹ, áp lực học hành, nghề nghiệp, công việc tương lai, những xung đột với bạn bè, thầy cô và tác động xấu từ xã hội, Internet... Đối diện với những điều này, nếu không có kỹ năng xử lý các em dễ rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn, dễ bị kích động, trầm cảm và tìm đến cái chết.
TS.BS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viên Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bất ổn về tâm lý đến khám tại bệnh viện, đặc biệt là vào mùa thi, số ca bị stress tăng mạnh. Khi sức khoẻ tâm thần của các em suy yếu, lại không có các kỹ năng xử lý những mâu thuẫn nội tại, nỗi buồn thất bại… thì dễ dẫn đến bị trầm cảm, nghĩ quẩn, hành động dại dột, nguy hiểm….
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) trăn trở phân tích:
Lứa tuổi vị thành niên (13 - 17) phải giằng xé, “chiến đấu” quyết liệt với những thay đổi từ bên trong (cả về hình thức, tâm lý) cũng như phải tiếp nhận những thay đổi từ bên ngoài. Các em chưa đủ sức mạnh để chống chọi, đối phó, xử lý với tất cả các xung đột, mâu thuẫn, cũng như áp lực của chạy đua học hành, thi cử. Đây là lứa tuổi rất mong manh, dễ tổn thương. Nhưng người lớn lại không chuẩn bị cho các em các kỹ năng đối mặt với những khủng hoảng cá nhân và những thay đổi. Do đó, các em rất dễ cô đơn, suy sụp, trầm cảm khi gặp các cú sốc đầu đời.
Để các em biến giấc mơ, hoài bão thành hiện thực, chúng ta phải giúp các em bằng việc đơn giản, cụ thể nhất như: Làm chủ cảm xúc của mình, bảo vệ được bản thân.
Thông tin về kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011 - 2015, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số học sinh có ý định tự tử cả nước ngày càng tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% học sinh phải đến điều trị tại bệnh viện.
Một số liệu điều tra khác với mẫu nhỏ hơn của Bộ Y tế, Tổ chức Unicef và WHO trên 3.000 học sinh Hà Nội trong độ tuổi từ 10 - 16 cũng chỉ ra rằng, có trên 19% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần, 9% học sinh cho biết từng có ý định tự tử và 6% đã có kế hoạch thực hiện cái chết.
Triều Dâng/Giáo Dục Thời Đại
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân