Hotline:
Banner
Tin Nóng

Tái hiện Thăng Long ngàn năm trong lòng Nhà Quốc hội

13 Tháng Bảy 2016 10:34:41 SA

Moitruong24h - Sâu trong lòng đất, tại hai tầng hầm của Nhà Quốc hội, có một không gian đầy những thanh âm của tiếng chim hót, tiếng chuông, tiếng nhạc và những sắc màu khác nhau của hình ảnh từ quá khứ cho đến hôm nay.

Bảo tàng trong lòng đất

Hơn 400 di vật và gần 10 di tích được các nhà khoa học khảo cổ phát hiện trong quá trình khai quật tại chính khu vực Nhà Quốc hội trong 2 năm 2008 - 2009 đã được giới thiệu đến công chúng trong dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2016). Sắp tới, triển lãm sẽ được mở để đón công chúng. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng chục ngàn di vật và 140 di tích đã được phát hiện, lưu giữ trên chính mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Chủ trương dành một phần diện tích dưới hai tầng hầm của Tòa nhà Quốc hội để trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất Tòa nhà Quốc hội đã được Đảng và Nhà nước đề ra cùng với chủ trương xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới. Trên cơ sở đó, một dự án đặc biệt về chính trị và khoa học đã được giao cho Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2012. Mục tiêu của khu trưng bày là tạo nên biểu trưng độc đáo của sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, để Tòa nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử dân tộc, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử dân tộc. Đồng thời từ đó, những minh chứng về quy mô rộng lớn của khu Di sản Văn hóa thế giới - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tiếp tục được giới thiệu đến với nhân dân và bạn bè quốc tế, kết nối nhân dân với Tòa nhà Quốc hội, để mỗi người có thể hiểu và gần gũi hơn với lịch sử, cũng như với Tòa nhà biểu trưng cho quyền lực của mình.


Bức tranh gốm ghép bằng gạch tìm thấy tại hố khai quật.

Việc trưng bày các di tích, cổ vật này tại tầng hầm Tòa nhà Quốc hội nhận được sự đánh giá cao của giới sử học và các nhà nghiên cứu. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Ở đây tôi thấy một quyết tâm vô cùng lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở chỗ đầu tư nguồn kinh phí không phải là nhỏ, để cho một sự nghiệp về văn hóa. Và tôi rất sung sướng thấy rằng sự đầu tư này rất hiệu quả. Nó khác với rất nhiều đầu tư vào bảo tàng khác cũng như các công trình văn hóa khác. Sự đầu tư vào bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội như một cuộc cách mạng về bảo tàng cho hệ thống bảo tàng Việt Nam”.

Lan tỏa giá trị văn hóa

Một không gian trưng bày, nhưng thực sự, đó là một bảo tàng về khảo cổ học. Xuất phát từ mong muốn của những nhà khoa học, làm sao có thể biểu đạt sống động nhất, dễ hiểu nhất, để công chúng có thể tiếp cận những giá trị khảo cổ học một cách giản dị nhất, cảm nhận một cách sâu lắng nhất về lịch sử và văn hóa của cha ông, trên chính mảnh đất này.
PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Ý tưởng trưng bày phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian từ xa xưa lại gần”.


PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành giới thiệu trưng bày.

“Với cấu trúc đó, tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long, tức là sau 1010, sau khi vua Lý Công Uẩn hạ đô. Tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi vua Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô về đây. Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi một không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, những ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên”.

Với diện tích gần 1.700m2, tầng hầm 1 là không gian trưng bày những di tích, di vật Thăng Long và nổi bật nhất là những mô phỏng về một kiến trúc của cung điện thời Lý, được tái tạo giống như bối cảnh khai quật. Mặt bằng kiến trúc được trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột ánh sáng, để gợi mở cho công chúng hình dung về 42 cột gỗ của một công trình kiến trúc cung điện thời Lý, cùng sắc thái độc đáo của bộ mái qua các loại ngói lợp còn tìm thấy được. Lịch sử vàng son của Kinh đô Thăng Long cùng dấu tích cung điện còn được diễn giải sinh động với công nghệ trình diễn mapping và media, tái tạo lại bằng hình ảnh của một bức tường bao quanh cung điện theo đúng chiều cao thật 2m72. Ở đó, thời gian đang trôi qua 4 mùa cùng hoa lá, chim muông với lá vàng rơi cùng những rêu phong, cổ kính.


Những di tích bằng đất nung.

Tầng hầm 2 có diện tích trưng bày 2.000m2, mô tả khám phá về thời kỳ Thăng Long. Tại đây có hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý với 42 cột gỗ lớn cùng bộ mái công trình thông qua trưng bày các loại ngói lợp. Dọc lối đi có tủ trưng bày vật liệu kiến trúc và đồ dùng trong đời sống. Phòng chiếu phim được đặt ở tầng này cũng sẽ giúp người xem dễ dàng hình dung về cung điện, kinh thành Thăng Long theo chiều dài lịch sử.


Những linh vật trang trí trong cung điện thời Lý .

Những công nghệ trưng bày, những đường nét đồ họa, tất cả đều thể hiện sự chăm chút, tỉ mỉ của những người làm trưng bày dành cho không gian giới thiệu khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội và từ đó, tình yêu, lòng tự hào đối với di sản của cha ông lan tỏa dần đến công chúng.

 

 

 

Thảo Nguyên/LangvietOnline

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân