Hotline:
Banner
Tin Nóng

Phép thử của bão

03 Tháng Tám 2016 3:51:32 CH

Năm 2013, bão Haiyan - cơn bão số 14 đổ vào Việt Nam năm ấy, khiến cả một dọc duyên hải hoảng sợ. Theo nhiệm vụ cơ quan, tôi lên xe, chạy thẳng về hướng biển, đón bão.

Chúng tôi dừng ở Nam Định, nơi được dự báo là bão sẽ đổ bộ, chờ đợi. Đêm ấy trong đoàn không ai ngủ, thức trắng theo dõi các bản tin thời tiết trên TV, đài phát thanh.

Nửa đêm, gió mạnh bắt đầu vít rạp ngọn cây, mưa nặng hạt. Chúng tôi lần sang văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh. Mấy nhân viên văn phòng được cắt cử trực đêm ngủ lăn trên ghế. Giữa bàn, lỏng chỏng ấm với vài bát mỳ tôm. Gọi điện cho người có trách nhiệm trực tiếp, ông ậm ừ. Mãi rồi, chúng tôi cũng nài được vài người dùng xe com-măng-ca đưa ra kiểm tra tình hình đê bao và âu thuyền.

Trên đường đi, đèn pha ô tô rọi vào một bóng đen ngồi thu lu trên bờ đê. Tất cả vội dừng lại, nhảy xuống xem thế nào. Hoá ra đó là một chủ thuyền đánh cá. Ông mặc áo mưa, đội mũ, ngồi đó đợi bão. Bởi vì con thuyền là tài sản quá lớn, là tất cả những gì gia đình ông có. "Nếu nó bị đập vỡ, bị cuốn đi, thì ít nhất tôi cũng được chứng kiến", ông nói với chúng tôi.

Tôi sẽ không quên hình ảnh ấy, câu nói ấy. Một con người ngồi đợi kết cục hoàn toàn tuyệt vọng và bất lực.

Mỗi năm, trung bình Việt Nam hứng chịu khoảng 5 cơn bão từ biển. Bão rất lớn, thậm chí hoàn lưu bão thôi cũng đủ gây thiệt hại nặng nề. Bão vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, thì Hà Nội cũng ngập lụt bì bõm, cây đổ la liệt. Năm ngoái, thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới hơn 8.000 tỷ đồng, và chủ yếu được quy về do bão tàn phá.

Ngân sách chi cho các công trình phòng chống thiên tai, thì thực sự là khổng lồ. Chẳng hạn, tỉnh Nam Định giai đoạn 2013-2015 được duyệt 8 dự án phòng chống lụt bão, xây tuyến đê biển ngăn mặn, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Điều duy nhất tỉnh này than phiền mà tôi biết, đó là tiến độ giải ngân chậm. Vậy nhưng, ngay cách đây ít giờ thôi, cơn bão đầu tiên của năm 2016 này, tiếp tục gây thiệt hại cho Nam Định ước tính cả nghìn tỷ. 

Bão lũ nói riêng hay thiên tai nói chung, nhắc nhở khía cạnh khác của những bản báo cáo. Những cơn bão, nói lên sự hiệu quả của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào chăm sóc dân sinh. Ví như cơn lũ tháng 8/2015, ngoài việc gây thiệt hại nặng nề cho toàn tỉnh Quảng Ninh, thì còn bộc lộ một hiểm họa mà bao năm qua ngành than tỉnh này đã tạo nên: Đó là những bãi xỉ than khổng lồ, sẽ biến thành những cơn lũ bùn hủy diệt, khi tích đủ lượng nước mưa.

Ở những đô thị lớn, tưởng như chẳng bao giờ biết đến hậu quả của sóng, lũ như Hà Nội, TP HCM, thì những cơn bão khiến cây đổ, đường phố biến thành sông, cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng.

Như sáng nay, cơn bão số 1 xô đổ rất nhiều gốc cây mới trồng năm ngoái trong đề án thay thế 6.700 cây xanh của Thủ đô. Chỉ đến khi đó, người ta mới nhận ra, những cây mới trồng không thể ăn rễ vào nền đất bị bê tông nén chặt của Hà Nội. Chỉ trong một ngày 16/11/2013, đồng loạt 15 thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên xả lũ. 30 người dân đã chết vì lũ trong ngày hôm đó. Thuỷ điện xả lũ đúng quy trình, chỉ có người dân là thiệt mạng.

Đó là điều mà không thể chấp nhận nổi. Thiên tai, không chỉ làm lộ ra những yếu kém về hạ tầng, về quy hoạch, mà còn “tố giác” cả quy trình. Những cơn bão, xét trên một khía cạnh nào đó, trở thành phép thử cho những báo cáo.

Nếu cơn bão không đi qua, thì không ai biết phía dưới lớp đá granite đẹp đẽ của vỉa hè đô thị là những cái cây gần như không thể mọc rễ.

Và, tiếc là ở phía bên kia các bản báo cáo là những chùm rễ mà bão cấp 10 cũng khó nhổ: rễ tư duy thành tích.

 

 

 

 

Gia Hiền

Nguồn: Vnexpress

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân