Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thái Nguyên: Rừng tan hoang và chuyện về ngôi nhà gỗ của Bí thư huyện

25 Tháng Bảy 2016 9:01:29 CH

Moitruong24h - Trong số báo 85 (ra ngày 15/7), chúng tôi đã phản ánh việc khu rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai), một di tích lịch sử cấp Quốc gia bị tàn phá tan hoang. Sau bài báo này, người dân lại kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có chuyện về những ngôi nhà gỗ hoành tráng của ông Bí thư huyện này.


Một góc nhà gỗ ở Phú Thượng của ông Tiệu và còn rất nhiều gỗ nghiến ở dưới sàn nhà. Ảnh: P.B

Dạo một vòng, thăm nhà Bí thư

Một người dân bản địa đã đưa chúng tôi “mục sở thị” hai ngôi nhà nằm cạnh nhau trên khu đất rộng cả nghìn mét vuông tại xóm Suối Cạn (xã Phú Thượng, Võ Nhai). Người này cho biết, một trong hai ngôi nhà trên là của ông Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư huyện Võ Nhai, được xây dựng vào khoảng năm 2006. Ngôi nhà sàn này có diện tích hàng trăm mét vuông, với các loại gỗ quý như nghiến, trai. Vợ chồng ông Tiệu đang sinh sống cùng vợ chồng người con cả tại ngôi nhà này.

Nằm liền kề với nhà sàn của ông Tiệu là một ngôi nhà sàn khác, cũng bề thế chẳng kém, hiện là nơi sinh sống của vợ chồng người con trai út của ông Tiệu. Người dân bản địa, với khả năng nhận biết các loại gỗ chỉ trong chớp mắt cho biết, ngôi nhà này cũng có rất nhiều gỗ quý, như nghiến, lim, trai… Theo một thông tin, ngôi nhà này ban đầu thuộc sở hữu của một người ở xã Phương Giao, năm 2015 thuộc về con ông Tiệu. Lúc mua về, ngôi nhà có vẻ khá cũ, nhưng sau được sửa sang, thay thế nên nó trở nên bề thế, hoành tráng nhất nhì xã Phú Thượng.

Ngoài 2 ngôi nhà trên, theo thông tin từ người dân, ông Nguyễn Văn Tiệu còn có một ngôi nhà bằng gỗ khác ở xóm Đình Đồng (xã Vũ Chấn). Ngôi nhà này được hoàn thiện năm 2012. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sáu, em trai ông Tiệu thì khu nhà này cũng được ông Tiệu mua lại, sau đó về sửa sang, nâng cấp thành một khu khép kín gồm nhà ở, sân vườn, sân vui chơi bóng chuyền…“Ngôi nhà này thì anh Tiệu cuối tuần mới về nghỉ ngơi hoặc cùng bạn bè tổ chức ăn uống”, ông Sáu cho biết.


Căn nhà của ông Sáu ở xã Vũ Chấn. Ảnh: P.B

Nằm bên cạnh cơ ngơi của ông Tiệu là ngôi nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Sáu. Ông Sáu cho hay, ngày xưa, khi làm ngôi nhà gỗ này, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã vào kiểm tra rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vì gỗ có nguồn gốc xuất xứ nên gia đình ông được phép xây dựng (?).

Gỗ quý chỉ có... mấy cái cột?

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu nói rằng, hiện nay, nếu tính các ngôi nhà sàn làm bằng gỗ nghiến, trai, lim thì ở huyện Võ Nhai chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Bây giờ, người ta cấm khai thác gỗ trong rừng, việc mua bán cũng bị cấm nên khó để làm được ngôi nhà như thế này lắm”, ông Sáu chỉ vào ngôi nhà mình giải thích. Chúng tôi nhìn theo tay ông Sáu chỉ, chợt nhận ra phía dưới chân ngôi nhà của ông Sáu có khá nhiều những khúc gỗ được xếp thành đống.

Theo người dân ở đây cho biết, nếu tính theo giá trị hiện tại, mỗi căn nhà của ông Tiệu và người thân sở hữu có thể lên tới tiền tỉ. Ông N.V.Đ, một người dân ở xã Phú Thượng cho biết, những căn nhà gỗ hoành tráng như của gia đình ông Tiệu hiện nay ở Võ Nhai rất ít. “Người dân ở đây vận chuyển, mua bán được một khúc gỗ nghiến là không dễ, nhưng nhà ông Bí thư có tới 4 dinh cơ toàn gỗ quý, đáng...nể thật”, ông Đ vừa nói vừa mủm mỉm cười.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết, việc xây dựng nhà gỗ nằm trong danh mục gỗ cấm thì Hạt Kiểm lâm chỉ kiểm tra, giám sát. Đối với nhà sàn cũ, UBND tỉnh đã có văn bản cấm mua bán ở Khu bảo tồn để tránh tình trạng người dân bán nhà cũ, sau đó lại lên rừng khai thác gỗ để làm nhà mới.


Ông Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai.

Khi chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tiệu, đề cập đến những ngôi nhà gỗ của ông và người thân, ông Tiệu phân trần: “Cái nhà tôi đang ở thực ra là từ thời bố đẻ làm cho, đến 2006 thì tôi chuyển ra ngoài này, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Cái nhà này ngày xưa đơn thư cũng nhiều, Ủy ban Kiểm tra cũng đã kiểm tra, tôi cũng đã trình hết rồi. Còn cái nhà thứ hai (nhà con trai út ông Tiệu), thực ra là tôi mua cái nhà cũ trong xã Phương Giao từ năm 2015. Khi mua, con tôi cũng báo Hạt Kiểm lâm và làm thủ tục, sau đó tháo rời, vận chuyển ra ngoài này. Cái nhà ở xã Vũ Chấn là nhà cũ của chú em thứ năm. Cái nhà đó đã bỏ 3 - 4 năm rồi. Sau đó chú ấy bán, tôi bảo thôi bao nhiêu thì trả tiền chú ấy. Gỗ nghiến thì chỉ có mấy cái cột chứ còn lại xung quanh là gỗ tạp thôi. Còn nhà của chú Sáu thì tự chú ấy làm”.

Dù ông Tiệu nói vậy, nhưng xung quanh mấy ngôi nhà gỗ của ông Tiệu và người thân, dư luận vẫn xì xào. Rừng bị tàn phá tan hoang, trong khi nhà quan chức địa phương lại làm toàn bằng gỗ hoành tráng, việc người ta bàn tán, cũng khó tránh!

Huyện Võ Nhai là một trong những địa phương nóng nhất về tình trạng khai thác trái phép các nhóm gỗ quý nằm trong danh mục cấm. Thời gian qua, tình trạng “nghiến tặc” tàn sát rừng già tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đang là vấn nạn nhức nhối mà các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đang ra sức để bảo tồn. Để bảo vệ rừng nghiến, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm liên quan đến việc chặt phá, vận chuyển và mua bán trái phép. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã nghiêm cấm việc mua bán nhà sàn trong khu vực 6 xã thuộc Khu bảo tồn.

Rừng bị chặt phá, trách nhiệm thuộc UBND

Như Báo GĐ&XH (số báo 85, ra ngày 15/7) đã phản ánh, địa điểm thành lập Đội Cứu Quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1994, nhưng đến nay khu rừng này bị khai thác tan hoang. Mặc dù đến nay đã có nhiều cơ quan, đơn vị kiểm điểm trách nhiệm nhưng trách nhiệm vẫn chung chung và dừng lại ở chuyện “rút kinh nghiệm”. Chúng tôi đã đặt lịch làm việc cũng như liên lạc nhiều lần với Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Đặng Xuân Trường, nhưng đều bị ông Trường cáo bận.

Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai cho biết: “Khi chúng tôi phát hiện ra và vào kiểm tra cũng thấy tang thương. Sau đó, chúng tôi giao cho UBND và các ngành có liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xử lý theo đúng quy định.

Nói chung, về sự việc này, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp không được chu đáo. Để xảy ra chuyện rừng bị chặt trụi không một bóng cây thì trách nhiệm của UBND là không thể chối bỏ. Ngoài ra, chúng tôi đã giao cho đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm sau đó tổng hợp báo cáo lên Huyện ủy. Chắc phải trung tuần tháng 8 mới có kết quả”.

 

 

 

 

Nguồn: GĐ & XH

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân