Hotline:
Banner
Tin Nóng

Phán quyết của Tòa Trọng tài "chặn" tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông?

17 Tháng Bảy 2016 12:39:53 CH

Moitruong24h - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam cho rằng hiện nay, Trung Quốc đang là một cường quyền nước lớn trong khu vực và thế giới. Cho nên, để giữ sỹ diện của mình, tối thiểu, Bắc Kinh sẽ không ngồi im, ‘án binh bất động’ hậu PCA mà có thể sẽ càng khuấy đảo các điểm nóng ở Châu Á để khẳng định vị thế của mình.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông (Ảnh: Reuters)

Nhận định về phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, ông Chu Hồi nhấn mạnh phán quyết này được xem là dấu mốc lịch sử của quá trình đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích biển, đảo của các quốc gia ‘nhỏ’ trong khu vực Biển Đông trước một cường quyền nước lớn.

Phán quyết đã thức tỉnh lương tâm và đáp ứng lòng mong đợi của những quốc gia có trách nhiệm và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về sử dụng giải pháp hòa bình để giải quyết các quyền trên biển giữa các quốc gia láng giềng trong một thế giới văn minh.

Trung Quốc có thể khuấy đảo các điểm nóng ở Châu Á hậu PCA

Thưa ông, sau phán quyết của Tòa Trọng tai hôm 12/7, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ và kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, chỉ có Trung Quốc là khẳng định họ không chấp nhận phán quyết này. Theo ông, những phán ứng của quốc tế sẽ ảnh hưởng thế nào trên bước đường ngoại giao của Trung Quốc và liệu nó có làm thay đổi cục diện Biển đông hiện nay hay không?

Có thể nói đây là vụ kiện thế kỷ để giải quyết bất đồng ở Biển Đông giữa một nước ‘nhỏ’ và một nước ‘lớn’, đặc biệt trong bối cảnh châu Á chưa quen ‘văn hóa kiện cáo’, trong khi đây là cử chỉ văn minh.

Theo tôi được biết, sau khi phán quyết của Tòa thường trực được đưa ra thì có khoảng gần 70 nước đã đưa ra ý kiến. Gần như đại đa số đều là phản ứng tích cực trong đó có hai mức độ. Thứ nhất là thể hiện thái độ mạnh mẽ như: Úc, Nhật đặc biệt là Mỹ,… Thứ hai là trung bình khi yêu cầu Trung Quốc cũng như các bên liên quan phải có trách nhiệm đàm phán và thực thi những giải pháp đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Chúng ta cần phải hiểu rằng, phán quyết này của Tòa thường trực không có tính cưỡng chế tức là không bắt buộc Trung Quốc phải thực hiện theo, nhưng nó cung cấp những nguyên tắc và căn cứ pháp lý quốc tế để Trung Quốc phải tuân thủ, vận dụng.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. (Ảnh: NVCC).

 Phán quyết này cũng không can thiệp vào vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới trên biển giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Nước nào hiểu đúng và biết vận dụng nội dung phán quyết một cách đúng đắn, có bước đi phù hợp thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Đương nhiên, khi nhiều nước cùng lên tiếng ủng hộ phán quyết thì về uy tín ngoại giao, về lòng tin chiến lược, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải xem lại mình.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện ý đồ ‘Độc chiếm Biển Đông’ với các toan tính có sẵn, chủ động sử dụng các kịch bản khi có cơ hội. Đặc biệt, từ năm 2014 họ đã công khai ‘Quân sự hóa’ khiến cho cục diện Biển Đông thay đổi theo hướng giảm hợp tác, tăng đối đầu. Cho nên, phán quyết của PCA có thể chưa làm thay đổi toàn bộ cục diện Biển Đông hiện nay, nhưng chắc chắn tăng thêm động lực và căn cứ để các nước có liên quan đẩy mạnh cuộc đấu tranh pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết hòa bình vấn đề quyền và lợi ích biển.

Nhiều người cho rằng phán quyết của Tòa thường trực hôm 12/7 nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt trong kế hoạch trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc có thể sẽ tìm mọi biện pháp trên các mặt trận tuyên truyền, kinh tế và cả quân sự để chống lại phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò". Ông có lo ngại điều này có thể làm dấy lên một cuộc đụng độ gây căng thẳng mới trên Biển Đông hay không?

Trung Quốc luôn thể hiện vai trò nước lớn, mà thực tế đang là một cường quyền nước lớn trong khu vực và thế giới. Cho nên, để giữ ‘sỹ diện’ của mình, tối thiểu, Bắc Kinh sẽ không ngồi im, ‘án binh bất động’ để cho sự kiện tự trôi qua. Họ đã từng không tham gia vụ kiện ngay từ đầu có lẽ vì ‘có tật giật mình’ và thể hiện sự thiếu cộng tác, thiếu thượng tôn pháp luật quốc tế dù Trung Quốc đường đường là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Vừa qua, Trung Quốc đã ‘tương kế, tựu kế’ chuẩn bị rốt ráo các kịch bản có thể: nào là vận động ngoại giao để tìm sự ủng hộ của các nước đối với quan điểm của Trung Quốc không thừa nhận giá trị của phán quyết; có thể ra khỏi vị trí thành viên của Công ước Luật biển 1982 để được hành động ‘tùy tiện’; có thể lấy cớ vụ việc này để tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông; tiếp tục gia tăng áp lực để chiếm thêm các vị trí chiến lược trong Biển Đông nhằm khẳng định khả năng kiểm soát thực tế ‘Đường lưỡi bò’; và thậm chí khuấy thêm các điểm nóng ở Châu Á để khẳng định sức mạnh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, không tuân thủ, Trung Quốc sẽ làm mất lòng tin, bị cô lập hơn về ngoại giao, có thể bị cô lập cả về kinh tế, chạy đua vũ trang tốn kém, và có thể bị ‘bao vây’ cả về quân sự từ phía Mỹ và đồng minh. Vì thế, theo tôi Trung Quốc sẽ chẳng dại gì mà tạo ra một cuộc “đối đầu” gây căng thẳng trên Biển Đông để chuốc họa vào thân cả.

Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng vì phán quyết mà Trung Quốc tăng cường các hành động gây căng thẳng, thực ra Bắc Kinh chỉ lợi dụng vấn đề phán quyết để ‘trả đũa’ và tiếp tục thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông từ lâu đời rồi.

Trung Quốc sẽ mất uy tín quốc tế nếu từ chối tuân thủ phán quyết PCA

Mọi phán quyết cuối cùng của tòa án đều mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố làm ngơ phán quyết, cùng với việc tòa án không có cơ chế thực thi có thể làm giảm bớt ý nghĩa và thay đổi cục diện không theo kỳ vọng của Philippines không, thưa ông?

Có lẽ, ngay khi chọn nội dung và đệ đơn kiện ra Tòa án quốc tế, Philipines cũng không đặt ra quá nhiều tham vọng rằng sự việc sau đó phải được giải quyết dứt điểm. Trước hết, Philipines có được căn cứ pháp lý và sự ủng hộ từ pháp luật quốc tế, được bảo hộ pháp lý quốc tế và có thể sử dụng để ứng xử trong các phiên đàm phán với Trung Quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Philipines xác định kế hoạch triển khai cụ thể, tranh thủ được nhiều sự đồng tình quốc tế. 

Trung Quốc tuyên bố làm ngơ phán quyết nếu lương tâm họ không thấy ‘cắn dứt’, và không ai cấm được họ làm như vậy. Tuy tòa án không có cơ chế thực thi, nhưng không vì thế mà làm giảm bớt ý nghĩa của phán quyết. Phán quyết chỉ ra tính pháp lý của từng vấn đề mà Philipines đề nghị tòa xem xét công tâm, đúng quy định pháp luật quốc tế. Vì vậy, phán quyết của PCA sẽ giúp hướng dẫn cho cả Trung Quốc và Philippines cách tiếp cận giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước một cách hòa bình và xây dựng, thực hiện trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực. Trung Quốc sẽ mất uy tín và vai trò của mình trên trường quốc tế nếu tiếp tục từ chối trách nhiệm tuân thủ phán quyết, cũng như thiếu thượng tôn pháp luật.

Theo ông, Philippines phải làm gì tiếp theo để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa thường trực cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của quốc gia mình?

Philipines sẽ phải lên một kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện phán quyết của PCA. Trong đó, xác định được các lộ trình cơ bản và các kịch bản để chủ động ứng phó và để việc triển khai sẽ thuận lợi cho cả hai bên. Chính phủ mới của Philipnes tuyên bố sẽ không từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, nhưng sẵn sàng đàm phán để giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Có thể, các vướng mắc sẽ được Philipines đưa ra Liên hiệp quốc xem xét và quyết định, nếu cần.

Họ cũng chủ trương ‘vừa hợp tác vừa đấu tranh’ để giữ gìn môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông, tất nhiên họ cũng phải chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất. Phía Trung Quốc dù ‘tự tin’ thế nào cũng vẫn cần điều chỉnh chiến thuật trong việc giải quyết vấn đề với Philipines sao cho kìm hãm tối đa cái cớ can thiệp của Mỹ. Bài học bãi cạn Hoàng Nham năm 2012 khiến Bắc Kinh không thể dễ dàng lập lại, và nếu cố tình sẽ đụng vào ‘ranh giới đỏ’ của Mỹ trong quan hệ với Philipines!

Với những căng thẳng leo thang mới có thể xảy ra từ Trung Quốc theo ông Việt Nam nên có những ứng xử thế nào cho phù hợp?

Là một quốc gia có lợi ích trực tiếp đối với các nội dung liên quan trong vụ kiện Trung Quốc của Philipines nói trên, nên Việt Nam chắc chắn chịu ảnh hưởng và tác động từ kết quả phán quyết của PCA. Có những ảnh hưởng tích cực từ chính những kết quả phán quyết như khẳng định tính phi lý của yêu sách ‘Đường lưỡi bò’ của phía Trung Quốc; khẳng định các thực thể địa lý ở Trường Sa không thuộc ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc… Phán quyết cũng làm sáng tỏ quan điểm nhất quán của Việt Nam về việc giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông bằng con đường hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể chịu các tác động tiêu cực do Trung Quốc phản ứng phán quyết bằng các hành động đơn phương, phiêu lưu như họ đã từng làm như, ngụy tạo để chiếm bãi cạn, tôn tạo đảo nhân tạo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; lập ‘Vùng nhận dạng phòng không’ trên Biển Đông; và sử dụng ‘hạn chế’ quân sự để ‘dằn mặt’ các nước nhỏ trong khu vực... Do đó, Việt Nam cũng phải chủ động ứng phó trong các tình huống xấu như nói trên.

 

 

Theo Hà Trang (Dân Trí)

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân