Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi

12 Tháng Tám 2016 11:44:18 SA

Moitruong24h - Không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Đó là thực trạng đang diễn ra tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn TP Pleiku.

1 trong 5 rãnh nước ông Điền dùng để xả chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: BB

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Pleiku có khoảng 26 trang trại nuôi heo số lượng lớn (trên 100 con), 300 hộ nuôi heo số lượng từ 5 đến vài chục con và 10.000 hộ nuôi gia súc, gia cầm số lượng nhỏ. Thời gian qua, một số trang trại và hộ chăn nuôi cá thể không đảm bảo điều kiện chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống khu dân cư.

Mặc dù được chính quyền phường, xã và các phòng chức năng chuyên môn của TP thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra về công tác đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, thậm chí ra quyết định xử phạt hành chính, nhưng xem ra chưa thực sự mang lại hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân.

Điển hình như hộ bà Mười, số 10 Tân Tiến, phường IaKring, TP Pleiku. Với quy mô 3 chuồng nuôi, diện tích 26m2 có 2 con heo lái đang trong thời kỳ sinh đẻ và 5 con heo thịt. Cơ sở hộ gia đình bà Mười không có hầm bioga tự hoại, không xử lý vệ sinh, hàng ngày xả nước thải phân heo trực tiếp trên đất và đổ xuống cống thoát nước của đường Tân Tiến, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của các hộ dân khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Kim Vương, số 8 Tân Tiến và các hộ dân số 6, số 12, hộ ông Trương Quốc Dũng và bà Nguyễn Thị Trâm đã gửi đơn kêu cứu lên chính quyền TP.

Tuy nhiên, trong quá trình đoàn đến kiểm tra, hộ gia đình bà Mười không thống nhất với kết luận của đoàn kiểm tra, không ký vào biên bản kiểm tra hiện trạng, thách thức chửi bới hàng xóm và cả chính quyền phường IaKring, tiềm ẩn nguyên nhân mất an ninh trật tự khu phố.

Chính quyền TP đã có công văn về việc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với hộ gia đình bà Mười. Đến nay, sau 2 tháng, tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở chăn nuôi của bà Mười vẫn tiếp diễn!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường khiến hàng chục hộ dân tổ 7 phường Yên Thế bức xúc là của ông Nguyễn Điền. Với số lượng hơn 200 con heo, cơ sở này không tuân thủ và áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải, nên hầu hết lượng nước thải từ trại heo đều được xả trực tiếp ra môi trường. Hàng ngày, người dân nơi đây phải “gồng mình” sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ chính trại heo này. Cùng với đó là tình trạng ruồi, muỗi, loăng quăng bu bám dày đặc gây mất vệ sinh và có nguy cơ phát sinh mầm bệnh.

Bà Hà Thị Chung, có nhà cách cơ sở nuôi heo của gia đình ông Điền chừng 100m, phản ánh: “5 năm nay rồi, nhà tôi và nhà cô Oanh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mùi hôi thối khó chịu bốc lên từ cơ sở nuôi heo của hộ gia đình ông Điền. Cứ tầm 3 giờ sáng là đã bốc mùi hôi rồi, trưa lại khoảng từ 12 giờ cho đến 3 giờ chiều bắt đầu nồng nặc không thể chịu được. Nhà có hai đứa cháu nội còn nhỏ nhiều khi phải gửi cháu bên ngoại ít bữa, người lớn thì đi làm cả ngày nhưng cứ khi về đến nhà là không thể chịu nổi. Trời nóng thế mà phải đóng cửa cả ngày, rồi mưa xuống, nắng lên thì bốc hơi không chịu được. Trước đây, tôi đã báo với ông tổ trưởng tổ dân phố lên thì nhà ông Điền không mở của, thế rồi bên môi trường đã đến phạt 2,5 triệu rồi nhưng vẫn không đâu vào đâu cả. Cũng là dân lao động mà tình hình thế này thì làm sao mà đảm bảo sức khỏe…”.

Theo người dân nơi đây, bất kể sáng, trưa hay đêm tối, đặc biệt là vào mùa khô không chỉ những hộ ở gần mà kể cả những hộ cách xa vài trăm mét cũng không thể chịu được mùi hôi thối bốc lên từ cơ sở nuôi heo này.

Khi thâm nhập thực tế, chúng tôi phát hiện ông Điền đào 5 rãnh trong rẫy cà phê sát khu dân cư, cạnh trại nuôi heo. 5 rãnh này ông Điền dùng để hàng ngày thải nước và chất thải chăn nuôi ra môi trường, quan sát thấy nước trong rãnh “nhuộm” một màu đen phân heo đặc quánh, từ đầu đến cuối bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Trường, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP Pleiku cho biết: Hiện nay, địa bàn tỉnh cũng như TP chưa có khu chăn nuôi tập trung. Trong hai năm vừa qua TP cũng xử lý một số trường hợp, trường hợp không thể tồn tại trong khu dân cư thì quy định lộ trình để cho thời gian tồn tại và yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư, loại nào tồn tại được thì thực hiện các biện pháp xây dựng hầm bioga hoặc làm thêm các công trình xử lý nước thải hạn chế mùi trong quá trình chăn nuôi.

Không thể phủ nhận ngành Chăn nuôi đã đóng góp cho phát triển kinh tế nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng. Tuy nhiên, chính quyền TP Pleiku cần thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường TP do các hộ chăn nuôi gây ra, trả lại môi trường trong sạch khu dân cư.

 

 

 

 

 

Bùi Bình/Báo Thanh tra

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân