Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nepal: Nhiều bảo tàng mở cửa trở lại sau động đất

12 Tháng Tám 2016 9:38:23 SA

nepal, bảo tàng, mở cửa, động đất

Moitruong24h - Ngày 10/8/2016, hơn một năm kể từ khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Nepal hồi tháng 4 và tháng 5 năm 2015, thông qua công tác phối hợp của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và các đối tác của mình, một số bảo tàng nổi tiếng của Nepal đã chính thức mở cửa trở lại và đón chào du khách đến thưởng thức các bộ sưu tập phong phú của mình.

Cụ thể, đến nay, Bảo tàng Quốc gia Nepal, Bảo tàng Patan, Bảo tàng Panauti và Phòng triển lãm Nghệ thuật Quốc gia đã chính thức mở cửa trở lại.

Ông Christian Manhart, Giám đốc UNESCO tại Kathmandu cho biết: "Việc mở cửa trở lại các bảo tàng và các tòa nhà lịch sử của Nepal sau trận động đất năm 2015 đã tạo ra tác động tích cực và sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước".

Trận động đất và hàng loạt các cơn dư chấn xảy ra ở Nepal hồi năm ngoái đã làm chết hơn 8.700 người, làm bị thương hơn 22.000 người và phá hủy hoặc gây hư hại hơn 250.000 ngôi nhà. Thảm họa cũng ảnh hưởng xấu đến di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước, với 691 tòa nhà lịch sử trong 16 huyện bị hư hại, trong đó có 131 tòa bị sập hoàn toàn.


Trong những tháng sau trận động đất, UNESCO và Cục Khảo cổ học Nepal đã hợp tác trong việc trục vớt, kiểm kê và bảo đảm an toàn, lưu trữ các đồ tạo tác và phục hồi các kiến trúc ở một số di tích và bảo tàng bị ảnh hưởng, bao gồm Hoàng cung Hanumandhoka, Bảo tháp Swayambhu và Bảo tàng Quốc gia Chhauni ở thủ đô Kathamandu của Nepal.

UNESCO cho rằng di sản văn hóa tạo thành một nguồn của bản sắc và niềm tự hào của đất nước, do đó, việc bảo vệ các di sản này là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững và đặc biệt là đối với nền kinh tế du lịch trong nước.

Chương trình xây dựng lại trong tương lai rất cần sự hỗ trợ và UNESCO nhằm mục đích kết hợp cho du khách đến xem, từ đó hiểu và đóng góp vào quá trình phục hồi. Hơn nữa, công tác xây dựng lại và bảo tồn phải là một phần của chiến lược phát triển bền vững rộng lớn hơn.

Với rất nhiều công việc quan trọng còn ở phía trước, UNESCO mong rằng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ hơn nữa trong công tác phục hồi các di sản và bảo tàng của Nepal để có thể đón chào du khách đến thưởng thức các bộ sưu tập.

 

 

 

Theo Mai Đan

Báo TN&MT/UN New Centre

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân