Moitruong24h - Từ thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều khu nhà vệ sinh trong các bệnh viện, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí... việc tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh là khó tránh khỏi.
200 loại vi khuẩn “dình dập” người bệnh
Một khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 trên các bệnh viện đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập và hạn chế trong các nhà vệ sinh của bệnh viện. Đó là tại khu vực dành cho bệnh nhân và các khu vệ sinh chung của nhiều bệnh viện còn bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu xà phòng rửa tay, dây đọng nước, xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa. Đặc biệt là mùi hôi nặng nề do lượng người dùng nhiều, không được xử lý kịp thời. Tại một số bệnh viện, các nhà vệ sinh còn bị khóa cửa do không có người lau dọn.
Từ thực tế trên cho thấy, việc các bệnh viện để tình trạng nhà vệ sinh bẩn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, trong đó nguy cơ nặng nhất là người bệnh, người nhà bệnh nhân thậm chí cả y, bác sĩ cũng có thể bị nhiễm bệnh. Từ đó, dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng thời gian điều trị cho người bệnh, tăng chi phí… ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện. Nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, nhà vệ sinh được đánh giá là môi trường ẩn nấp và lây truyền của hơn 200 loại vi khuẩn gây các bệnh nhiễm, hô hấp, tiêu hóa… trong đó có cả bệnh tay - chân - miệng.
Ngoài những lo ngại về nguy cơ lây bệnh nói trên thì việc người bệnh, người nhà bệnh nhân vì sợ bẩn mà phải “nhịn” đi vệ sinh cũng rất nguy hiểm. Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phúc – nguyên Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện 103) cho biết, thực tế, khi đi vệ sinh nếu nhà vệ sinh quá bẩn chúng ta thường ngán ngại và cố gắng "nhịn", việc làm này không tốt vì gây căng bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu và gia tăng nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng như làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Mặt khác, việc bàng quang bị căng còn làm cho người bệnh vừa điều trị bệnh vừa phải lo lắng về bệnh tật dễ gây nguy hiểm do việc vỡ bàng quang nếu như bị té hoặc va chạm mạnh vào vùng bàng quang.
Để phòng tránh tình trạng lây bệnh từ nhà vệ sinh bẩn, bác sĩ Phúc cho rằng, các bệnh viện có ít bệnh nhân thì phải có kế hoạch khử khuẩn nhà vệ sinh từ 1 đến 2 lần/tuần. Riêng nhà vệ sinh công cộng tại những nơi quá tải như các bệnh viện tuyến Trung ương thì các bệnh viện phải thực hiện khử khuẩn 2 lần/ngày. Việc khử khuẩn nhà vệ sinh phải toàn diện: Bồn cầu, bồn tiểu, bồn rửa tay, sàn nhà, vách tường. “Đặc biệt chú ý phải khử khuẩn tay nắm cửa nhà vệ sinh, vòi vặn nước, cần gạt nước của bồn cầu - vì những nơi này là nơi thường xuyên được các bàn tay đụng vào” – bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Nếu làm đúng như khuyến cáo của bác sĩ Phúc thì có thể khẳng định, rất ít bệnh viện làm được điều đó. Hơn nữa, chỉ với nhu cầu rất nhỏ cho bệnh nhân là việc trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cần phải có nước khử khuẩn cũng không mấy bệnh viện làm được. Như vậy, cùng với việc xuống cấp nghiêm trọng tại các nhà vệ sinh của các bệnh viện như hiện nay, thì bệnh nhân và người nhà càng khó có “điều kiện” thực hiện đầy đủ như khuyến cáo của các bác sĩ. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ lây chéo bệnh là khó tránh khỏi. Nguy hiểm hơn, đối với người bệnh khi đã đến bệnh viện thì hầu hết họ đều bị suy kiệt về sức khỏe nên việc phải sinh hoạt tại khu vệ sinh bẩn khiến bệnh cũ chưa khỏi đã phải lo chữa bệnh mới do lây chéo bệnh từ nhà vệ sinh bẩn. Nếu các bệnh viện không sớm có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có các khu nhà vệ sinh, thì không biết bao giờ mới hết lo lây bệnh và câu chuyện về việc quá tải bệnh viện sẽ khó có hồi kết ?
Cả nước chỉ có 2 nhà vệ sinh bệnh viện tư đạt chuẩn
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều nhà vệ sinh bẩn trong bệnh viện, TS. Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường nhận định: Nguyên nhân của việc nhà vệ sinh của nhiều bệnh viện bẩn có thể do các nhà quản lý chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự tổ chức và quản lý hợp lý, thiếu kỹ năng và ý thức trong bảo quản và sử dụng của cả nhân viên y tế và người bệnh, người dân. Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cơ sở vật chất, trong đó có các khu nhà vệ sinh của nhiều bệnh viện, đã thẳng thắn chia sẻ: Ngành y tế là ngành bán dịch vụ, cung ứng dịch vụ thì chất lượng là vấn đề sống còn của các bệnh viện, nhất là khi sắp tới điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, sự cạnh tranh giữa các bệnh viện ngày càng lớn. “Tôi lấy làm buồn khi cả nước chỉ có 2 bệnh viện tư đạt chứng chỉ quốc tế về chất lượng. Bệnh viện công lớn, Nhà nước cho ngân sách nhiều, nhưng không có có bệnh viện nào đạt được chứng chỉ này” - Bộ trưởng chia sẻ. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối, tổ chức các đoàn đi thăm 2 bệnh viện tư đạt chứng chỉ quốc tế để học hỏi xem từ cổng vào thế nào, bàn ăn, chế độ ăn của bệnh nhân đến xử lý chất thải ra sao.
Để thay đổi bộ mặt bệnh viện công, ngoài việc yêu cầu đổi mới mô hình quản lý, Bộ trưởng cũng cho rằng, giám đốc các bệnh viện phải tập trung nâng cao chất lượng bệnh viện, không phân biệt đối xử giữa bệnh nhân dịch vụ và bệnh nhân BHYT, yêu cầu tách riêng khu khám dịch vụ. “Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng đề án bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Bệnh viện phải là nơi sạch nhất, không thể để nhà vệ sinh bẩn được, chỗ rửa tay phải có xà phòng, khuôn viên phải có cây xanh, phòng bệnh không thể ga cũ, nhàu nhĩ được” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện sớm công khai chất lượng các bệnh viện thông qua 83 tiêu chí và đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh qua các đợt kiểm tra vừa qua.
Thu Trang/laodongthudo.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân