Hotline:
Banner
Tin Nóng

Trăn trở từ sự phá sản một dự án

22 Tháng Sáu 2016 10:17:36 SA

Moitruong24h - Dự án (D.A) kết thúc không nghiệm thu, tổng kết, tài sản Nhà nước thất thoát không thu hồi, nội bộ tổ chức Đảng, chính quyền mất đoàn kết, tình làng nghĩa xóm căng thẳng... Đó là những gì vẫn dai dẳng đeo bám xóm nhỏ Kim Đào, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh suốt 20 năm qua.

220m2 đất được mua chủ yếu bằng tiền D.A, rồi được “biến” thành tài sản cá nhân của ông Phạm Xuân Bình, nay “nở ra” thành 284,6m2, chia thành 2 lô đất ở, trị giá tiền tỷ trong khu “đất vàng” đầu thôn Kim Đào. Ảnh: Ngân Hà

Đánh trống, bỏ dùi!

Theo thông tin nêu tại kết luận kiểm tra của Huyện ủy Gia Lương (nay là Lương Tài), cuối năm 1995, huyện Gia Lương được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) hỗ trợ D.A Phát triển nông thôn, xây dựng mô hình vườn cây, ao cá, chế biến nông sản và thức ăn gia súc tại 3 cơ sở: Kim Đào (xã Phá Lãng, nay là thị trấn Thứa), xã Cao Đức và Thanh Lâm (xã An Thịnh) với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng.

Mặc dù Ban Quản lý (BQL) D.A cấp huyện được lập với đủ các phòng, ban, bộ phận, D.A cũng được triển khai đúng quy trình, nhưng đến thời điểm kết thúc (tháng 12/1997), ngoài việc cấn trừ trả Bộ KH-CN&MT 60 triệu đồng (15% tổng đầu tư) ngay khi nhận tiền về (quy định là thu hồi khi kết thúc D.A), BQLD.A cấp huyện đã phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư hết sức tùy tiện, số tiền thực sự đưa về tới 3 cơ sở chỉ được 58% (227,5 triệu đồng), BQLD.A cấp huyện giữ lại và tự chi tiêu tới 27% (106,5 triệu đồng).

Ngoài ra, BQLD.A cấp huyện còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc, để các cơ sở tiếp tục tùy tiện sử dụng nguồn vốn đầu tư… theo ý thích. Cơ sở Kim Đào “khoác áo” chế biến thức ăn gia súc, nhưng thực tế chỉ là nơi xay sát gạo. Cơ sở Cao Đức mang danh “chế biến ớt, tỏi”, nhưng nhà xưởng vừa xây xong, người thực hiện D.A bỏ đi làm ăn xa, khu chế biến bị bỏ hoang. Cơ sở Thanh Lâm có một số mô hình vườn cây ao cá, nhưng là của từng gia đình riêng lẻ. Tổ D.A thôn đã tự giữ lại gần 50% vốn đầu tư (65/150 triệu). Số còn lại, chia trực tiếp cho một số hộ dân, nhưng hộ có, hộ không, hộ nhiều, hộ ít, mất công bằng.

Tháng 4/1999, gần 2 năm sau ngày D.A kết thúc, Huyện ủy Gia Lương mới thành lập tổ kiểm tra.

Ngày 3/8/1999, Thường vụ Huyện ủy Gia Lương ban hành Kết luận kiểm tra số 02-KL/HU khẳng định quá trình thực hiện D.A có nhiều sai phạm, thất thoát, nhất trí với đề xuất của tổ kiểm tra về việc xem xét, xử lý kỷ luật một số cán bộ và thu hồi kinh tế tới 156.079.000 đồng, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư toàn D.A.

Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau đó, huyện Gia Lương nhận quyết định chia tách thành 2 huyện Lương Tài và Gia Bình. Kết luận kiểm tra kể trên của Huyện ủy Gia Lương bị “đắp chiếu”, không ai thực hiện.

Hệ lụy kéo dài

Trong 3 cơ sở được chọn để triển khai thực hiện D.A kể trên, Cơ sở Kim Đào được đầu tư ít nhất, nhưng cũng là nơi có nhiều sai phạm trong sử dụng vốn đầu tư và để lại nhiều hệ lụy nhất.

Sai phạm thứ nhất: Theo kế hoạch, cũng theo báo cáo của ban chỉ đạo (BCĐ) huyện, Cơ sở Kim Đào được cấp 69,5 triệu đồng để thực hiện D.A, nhưng chính BCĐ đã “hớt ngọn” 20 triệu và Chủ tịch xã (đồng thời là thành viên BCĐ huyện) cũng tùy tiện “giữ lại” 12 triệu. Thành ra, tổng số tiền về đến cơ sở chỉ còn 37,5 triệu đồng, trong đó có 28 triệu đồng tiền mặt và một máy chế biến thức ăn gia súc trị giá 9,5 triệu đồng.

Sai phạm thứ hai: Trong 28 triệu đồng tiền mặt nhận về, cơ sở đã sử dụng trái quy định 11.405.000 đồng vào việc mua một thửa đất. Số còn lại, chủ yếu chi cho xây dựng cơ bản.

Sai phạm thứ 3: Khi D.A đang triển khai thì ngày 15/6/1997, với lý do “làm ăn thua lỗ”, tổ D.A thôn tùy tiện bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất được đầu tư bằng tiền ngân sách với tổng trị giá 40.671.000 đồng (trong đó có 8 triệu đồng cổ phần do 4 thành viên trong tổ đóng góp), bao gồm một thửa đất 220m2, 3 gian nhà xưởng, 2 cỗ máy nghiền và 3.284.000 đồng tiền mặt cho cá nhân ông Phạm Xuân Bình, một trong 4 thành viên của tổ D.A.

Điều đáng lưu ý, trong “biên bản bàn giao” ngày 15/6/1997 kể trên, giữa 2 bên không hề bàn giao công nợ, ngoài việc ông Phạm Xuân Bình phải trả cho 4 thành viên 8 triệu đồng vốn góp cổ phần trước đó.

Ngoài ra, sau khi nhận bàn giao với tổ D.A, ông Bình còn nhận thêm 5 triệu đồng tiền mặt do kế toán thôn Kim Đào “trả nợ” cho tổ D.A.

Như vậy, ngoài đất đai, nhà xưởng, máy móc, ông Phạm Xuân Bình còn có một khoản tiền mặt là 8.284.000 đồng do tổ D.A và kế toán Kim Đào bàn giao và đưa trực tiếp. Nếu ông Phạm Xuân Bình sử dụng số tiền này vào việc trả nợ 8 triệu đồng cổ phần do 4 thành viên đóng góp trước đó, thì vẫn còn dư 284.000 đồng và được “ăn không” toàn bộ đất đai, tài sản trị giá 40.671.000 đồng (thời giá 1975 - 1976) được đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua D.A hỗ trợ phát triển nông thôn của Bộ KH-CN&MT. Được sự “tiếp tay” của Trưởng thôn - Tổ trưởng Tổ D.A (cũng là bố vợ) và Chủ tịch UBND xã (thành viên BQLD.A cấp huyện), ông Bình đã sử dụng số tiền này vào việc khác và “biến” thành tiền trả nợ và sử dụng cho D.A, hợp lý hóa việc sử dụng cá nhân 220m2 đất và toàn bộ giá trị nhà xưởng, máy móc của D.A cho lợi ích cá nhân.

Bất bình trước việc tài sản Nhà nước bị “biến” thành tài sản cá nhân (chỉ riêng 220m2đất được mua chủ yếu bằng tiền D.A ngày ấy và được tổ D.A thôn Kim Đào “cho không” ông Phạm Xuân Bình, nay đã có giá trị tiền tỷ), bắt đầu từ hơn chục năm nay, hàng chục cán bộ, đảng viên, tập thể Ban Thanh tra nhân dân, chi bộ và Ban Quản lý thôn Kim Đào, Ủy ban MTTQ thị trấn Thứa… đồng loạt có đơn thư, công văn, báo cáo… gửi các cấp, đề nghị làm rõ, quy trách nhiệm, thu hồi tài sản cho Nhà nước, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm…

Thời gian cứ trôi, cấp ủy, chính quyền thị trấn Thứa, UBND huyện Lương Tài đã có nhiều văn bản, kết luận, nhưng nội dung văn bản nọ “đá” văn bản kia. Gần đây nhất, ngày 14/5 và ngày 8/12/2015, UBND huyện Lương Tài có Kết luận số 226 và Quyết định số 2099 cùng với nội dung giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân về việc quản lý, sử dụng tài sản, đất đai tại Tổ Chế biến thức ăn gia sức thôn Kim Đào, “hợp lý hóa” cho ông Phạm Văn Bình được quyền sử dụng tới 284,6m2 đất (tăng 64,6m2 so ngày ông Bình nhận bàn giao) với những lý do thiếu sức thuyết phục, trái ngược với các kết luận trước đó của Thường trực Huyện ủy Gia Lương (cũ), Đảng ủy thị trấn Thứa và của chính UBND huyện Lương Tài.

Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo UBND huyện Lương Tài thanh tra, kết luận lại toàn bộ việc thực hiện D.A trên địa bàn huyện, thu hồi tài sản Nhà nước, giải tỏa mọi nghi ngờ, thắc mắc trong dân, đặc biệt là tại thôn Kim Đào, khôi phục lòng tin và danh dự cho các tổ chức, cá nhân dũng cảm, kiên trì đấu tranh chống tiêu cực, góp phần giữ vững kỷ cương, phép nước.

 

Ngân Hà/thanhtra.com.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân