Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nghề nấm

22 Tháng Bảy 2016 4:03:06 CH

Moitruong24h - Chỉ là nghề thời vụ nhưng có kinh nghiệm cộng chút duyên, mỗi ngày một người hái nấm có thể kiếm được tiền triệu, thậm chí bằng nửa tháng lương cạo mủ cao su. Săn nấm đã trở thành phong trào khi mọi người đổ xô đi tìm nguồn thực phẩm tự nhiên quý giá này nên giá nấm tăng theo từng năm.

NẤM TRÀM

Là loại nấm mọc trong rừng tràm, có màu tím. Khi những chiếc lá tràm rụng xuống, phân hủy nên mốc, gặp vài cơn mưa đầu mùa là nấm xếp lớp mọc lên. Khoảng 10 năm trước ít ai biết đến nấm tràm, trừ những thầy thuốc nam. Bởi nấm tràm là một vị rất tốt trong thang thuốc chữa bệnh phổi. Theo các thầy thuốc nam, nấm tràm có tác dụng thanh phổi. Nấm tươi hái về phơi vài nắng sau đó sấy khô làm thuốc.

Tại Phòng thuốc nam Phước Thiện, chùa Phú Đức, thị xã Bình Long, tôi được một thầy thuốc tặng bịch nấm tràm đã qua sơ chế. Thầy hướng dẫn tôi về rã đông, luộc lại là có thể chế biến thành các món nấm xào, kho và tuyệt ngon khi nấu cháo với đậu xanh, thêm chút rau răm thì đúng vị. Vừa có tác dụng chữa bệnh vừa chế biến ra nhiều món ăn ngon nên những người ăn lạt đã bổ sung nấm tràm vào thực đơn hằng ngày. Tại các rừng tràm ở Tân Hiệp (Hớn Quản), Minh Hưng (Chơn Thành) hay Tà Thiết (Lộc Ninh), những người đi hái nấm không còn là thầy thuốc nữa mà đa dạng các thành phần, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
 

 Nấm mối lúc nào cũng hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Trong ảnh: Một điểm bán nấm ven quốc lộ 13, đoạn qua xã Thanh Bình (Hớn Quản)

Giá nấm tràm cũng tùy theo thị hiếu. Bà Thu ở thị xã Bình Long - người đã làm nghề được 3 mùa nấm cho biết: Những năm trước, giá nấm chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg, mỗi năm tăng 5-10 ngàn đồng/kg tùy thời điểm, đến nay đã là 50 ngàn đồng/kg tại cửa rừng. Nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đánh xe ôtô lên thu mua hàng tấn nấm đưa về tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn chay ở thành phố. Vì nấm tràm mọc dày thành từng bãi rộng nên một người đi hái nấm có thể bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.

Năm nay, vợ chồng bà Đào Thị Hường ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long không có thời gian vào rừng hái nấm. Những năm trước, một mùa nấm, vợ chồng bà hái được vài trăm ký để dành ăn và ủ nước mắm. 100 lít nước mắm chiết xuất từ vài trăm ký nấm tràm đủ cho gia đình ăn đến giáp mùa nấm năm sau. Chuyện nấm làm nước mắm đã không còn xa lạ với những người ăn lạt, song với người viết bài thì hoàn toàn mới. Tôi đã đề nghị được mục sở thị quá trình làm nước mắm của bà. “Nấm sau khi hái về rửa sạch, để ráo. Sau đó cho vào khạp cứ rắc một lớp muối, một lớp nấm rồi đậy kín ủ khoảng 3-4 tháng. Hết thời gian này bỏ ra lọc lấy nước và đun sôi để nguội thành nước mắm, rất ngon và an toàn” - bà Hường nói.

Nước mắm làm từ nấm vẫn đủ vị mặn, thanh và mùi đặc trưng vốn có, quan trọng là sạch vì hoàn toàn làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Cháo nấm tràm khi ăn có vị ngọt tự nhiên và cái hậu là vị nhẫn đắng. Sự sáng tạo khi biết sử dụng đúng cách sản vật trời cho là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

NẤM MỐI

Những ngày qua, nấm mối rộ lên vì bước vào đợt thu hoạch thứ hai của mùa nấm. Không như nấm tràm chỉ rộ một lần, nấm mối mọc 3 lần/năm. Lần thứ nhất vào tháng 5 âm lịch, lần thứ hai vào tháng 6 và lần cuối là rằm tháng 7. Mỗi lần nấm mối mọc thời gian dài nhất khoảng 1 tuần tùy thời tiết.

Nấm mối dễ ăn nhưng khó tìm, phải những người “có duyên” mới gặp. Anh Lê Huy Kính ở ấp 2, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản cho biết, hái nấm vào ban đêm dễ thấy hơn. Khi đèn rọi vào, màu trắng từ nấm phát ra nên dễ phát hiện, còn ban ngày vì bị lớp đất và lá che phủ nên khó nhìn. Hầu như nhà nào có vườn cao su, điều thì ít nhiều cũng được trải nghiệm món nấm mối.

Ở các chợ giá nấm mối dao động từ 180-250 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, anh Điểu Diễn ở ấp 3, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản không đem nấm ra chợ bỏ mối mà vẫn bán được giá. Biết anh “sát” nấm nên hằng năm đến mùa hái nấm mối, khách quen ở thành phố Hồ Chí Minh gọi điện thoại bao tiêu hết. Giá ngoài chợ bao nhiêu, họ trả bấy nhiêu, 1 ký hay 10 ký anh đều đóng bịch gửi đi.

Anh Diễn làm nghề cạo mủ cao su thuê. Thời điểm nấm mọc từ 1 giờ sáng trùng với thời gian anh lên lô cạo mủ nên thường gặp nấm. Điều khác thường là sự tinh tế nhìn ra nơi nào có nấm mối. Kinh nghiệm này được đúc rút từ khi anh lên năm lên bảy. Anh Diễn bật mí, những nơi có ụ mối sẽ có nấm mối. Và chỗ nào năm nay nấm mọc, sang mùa sau vẫn mọc nhưng lần này mọc nhiều, lần sau sẽ mọc ít. Người đi hái nấm chỉ cần nhớ địa điểm là “trúng”. Ngày tôi gặp là ngày anh Diễn trúng nấm, bỏ túi gần 2 triệu đồng.

Ghé một điểm bán nấm mối tự phát ven quốc lộ 13, đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tôi hỏi mua nấm. Chị Nga chủ sạp giới thiệu 3 loại nấm với 3 mức giá. Nấm búp giá 280 ngàn đồng/kg, nấm vừa nở 250 ngàn đồng/kg và 180 ngàn đồng/kg nấm đã nở to. Nguồn cung cho chị là những người dân tộc thiểu số chuyên đi săn nấm. Ngày nấm rộ, chị mua cả trăm ký và cũng bán hết trong ngày. “Rất nhiều người mua 5-10kg đem về thành phố. Nấm chỉ rộ trong vài ngày nên muốn ăn dài dài phải làm sạch đất, luộc để ráo và bỏ vào ngăn đá” - chị Nga cho biết.

Rất nhiều loại nấm, trong đó có nấm thượng hạng như linh chi đều đã trồng được, chỉ nấm mối vẫn khai thác từ tự nhiên. Sản vật kết tinh từ đất trời này ngày càng thu hút nhiều người. Nấm mối nấu cháo, nấm xào mướp, nấm xào lòng gà, hay đơn giản chỉ là nấm xào chay là món bất kỳ ai trong đời cũng muốn một lần thưởng thức.

 

 

 

 

Hồng Cúc/ Bình phước

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân