Hotline:
Banner
Tin Nóng

Lời kêu cứu từ Núi Pháo

04 Tháng Tám 2016 10:34:54 SA

Moitruong24h - Người dân sống quanh khu vực chế biến khoáng sản Núi Pháo phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật do môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) thuộc Công ty CP Tài nguyên Masan (Công ty Masan) đã có từ nhiều năm qua.

Sống với ô nhiễm

Khu khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo nằm trên một khu vực trải dài, vắt qua Quốc lộ 37 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mấy trăm hộ dân ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ sống quanh khu vực này đang khổ sở từng ngày. Bất cứ ai đến gần khu dân cư trên đều choáng váng với mùi hóa chất nồng nặc. Người dân nơi đây phải đóng kín cửa suốt ngày, giăng bạt để ngăn bụi.

Bà Nguyễn Thị Tường (trưởng xóm 4, xã Hà Thượng) than thở suốt ngày đêm phải hít đủ các loại hóa chất. Nhà máy ở trên cao, nhà dân ở dưới thấp nên băng tải bột quặng cao hàng chục mét xả bụi vào không khí bay khắp vùng. Từ lâu, người dân đã phải mua nước đóng bình sử dụng thay cho nước giếng. Nhiều người phản ánh mỗi khi mưa, bột đá lẫn trong nước đổ xuống nhà cửa, ruộng vườn. Hằng ngày, chỉ cần ngửi mùi hóa chất sẽ bị váng đầu, mệt mỏi.

Công ty Núi Pháo khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Đưa phóng viên đến tận mương nước của xóm 4, bà Nguyễn Thanh Thủy (60 tuổi) cho biết đây là nơi mà Công ty Núi Pháo thường xuyên xả chất thải. Mỗi lần công ty xả thải, nước trong mương đen ngòm, người dân lập biên bản yêu cầu chính quyền xử lý. Nhiều người cho rằng trong chất thải đổ ra mương có hàm lượng xyanua rất cao.

Đáng chú ý, ở xã Hà Thượng này, có một khu vực dân cư đặc biệt mà người dân gọi là “khu chuồng chó”. Sở dĩ có tên đó vì 10 hộ dân nơi đây nằm trong khu vực quản lý của nhà máy, bị rào sắt, cổng bảo vệ quây quanh. Ai muốn vào thăm các hộ dân phải được chủ nhà “bảo lãnh”. Những người dân hay khiếu kiện nhà máy thì bị “cấm cửa” ra vào khu vực này.

Bệnh tật, mất kế sinh nhai

Bày ra khoảng gần 30 cuốn sổ khám bệnh của người dân ở xã Hà Thượng, bà Trần Thị Dung (ngụ xóm 3) thuộc làu tình trạng sức khỏe của từng người. Theo bà Dung, bệnh tật của người dân nơi đây trong 2 năm qua tăng đột biến so với những năm trước, chủ yếu là các bệnh về mắt, tiêu hóa và hô hấp. Cụ thể, bà Đào Thị Kính (ngụ xóm 4) cho biết miệng lúc nào cũng khô, đắng cổ, viêm họng thường xuyên. Con dâu của bà bị sẩn ngứa, các bác sĩ cho uống thuốc. Uống xong mới phát hiện đang mang thai và thai đã bị chết lưu do nhiễm độc.

Từ khi nhà máy hoạt động, kế sinh nhai của nhiều người dân nơi đây cũng mất. Họ buôn bán dựa theo đường quốc lộ trước nhà, nay đã bị nhà máy chắn mất, cuộc sống vô cùng khó khăn. “Tôi phải nuôi 2 con đang đi học. Trước kia buôn bán đồ sắt, đồ nhựa và làm rèm cũng đủ trang trải qua ngày. Nay phải đóng cửa chờ thỏa thuận đền bù để chuyển đi” - một người dân bày tỏ. Nói về lý do chưa chuyển đi, người dân nơi đây bức xúc cho rằng Công ty Núi Pháo đền bù quá thấp, không đủ để họ tái lập cuộc sống khi đến nơi khác.

Xử nghiêm sai phạm

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, khẳng định qua thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý. “Ai sai phạm thì đều phải bị xử lý, dù là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong nước, doanh nghiệp trung ương hay địa phương” - ông Bắc nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thái Nguyên, cho rằng phải có kết quả thanh tra của Bộ TN-MT mới đánh giá được toàn diện mức độ ô nhiễm môi trường. Từ đó mới có hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm của nhà máy cũng như tính toán việc di dời người dân đến nơi ở mới. Sở đã nhiều lần kiến nghị với Bộ TN-MT giải quyết triệt để vấn đề môi trường ở Núi Pháo.

Liên quan tới thông tin trong chất thải của Công ty Núi Pháo có hàm lượng xyanua vượt mức cho phép, bà Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên, cho biết xyanua là một trong các hóa chất mà Công ty Núi Pháo dùng để tuyển quặng. “Hiện chưa có đánh giá tại Núi Pháo nồng độ xyanua vượt mức cho phép có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân hay không nhưng về lâu dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phải có biện pháp khắc phục” - bà Hương nhận định.

Về phương án di dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm, bà Hương nói rõ: “Trước khi nhà máy hoạt động đã có hàng ngàn hộ dân được đưa đến nơi ở mới. Những hộ dân cần di dời còn lại phát sinh sau khi nhà máy hoạt động do ô nhiễm. Công ty Núi Pháo mới đưa 41 hộ vào diện di dời, còn hơn 200 hộ thì chưa cần thiết song tỉnh Thái Nguyên có quan điểm là phải di dời toàn bộ”.

Báo cáo riêng với Bộ TN-MT

Trong thông cáo gửi Báo Người Lao Động vào ngày 3-8, Công ty Masan nêu: Công ty đã áp dụng các quy chuẩn khắt khe nhất để giám sát những tác động của hoạt động khai thác khoáng sản mỏ Núi Pháo đến môi trường và cộng đồng địa phương.

Công ty Masan cho hay đã chủ động phối hợp với các nhà tư vấn để thực hiện hàng loạt đánh giá kiểm tra nội bộ, lấy mẫu xét nghiệm và rà soát các tác nhân có thể ảnh hưởng đến môi trường các khu vực phụ cận. “Chúng tôi sẽ có các báo cáo riêng về kết quả đánh giá sơ bộ cho Bộ TN-MT” - thông cáo nêu.

 

 

 

 

 

Nguyễn Quyết/ Người Lao Động

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân