Moitruong24h - Theo nguồn tin của PV Dân trí, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ làm rõ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư kinh phí Dự án cung cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng và việc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng có hiện tượng chỉ định thầu bất thường đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện (Ảnh: V.D)
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 290/TB-VPCP ngày 25/7/2014 của Văn phòng Chính phủ về xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 3/7/2014.
UBND tỉnh Hà Tĩnh và Thanh tra Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2016.
Tìm hiểu của PV Dân trí cho thấy Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng đội vốn 2.550 tỷ đồng (từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng) đã có nhiều bất thường được phát hiện từ cách đây vài năm. Kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành năm 2014 đã khẳng định tại dự án này có hiện tượng chỉ định thầu bất thường.
Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1200 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chọn chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn.
Mặc dù công trình có sử dụng vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư đã thực hiện chỉ định thầu (trong đó chỉ định cả cổ đông của chủ đầu tư làm nhà thầu) khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, vi phạm Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện những dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong thời gian dài; đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khiếu nại, tranh chấp, thậm chí có nơi còn phát sinh phức tạp, gay gắt.
Trong đó, đáng chú ý nhất là công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tại huyện Kỳ Anh để lấy đất cho dự án Formosa đã để xảy ra một số khuyết điểm lớn, gây thất thoát cho Nhà nước và tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ rõ: UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án Formosa đối với hơn 90 ha đất được ghi là “đất tranh chấp” với số tiền bồi thường gần 33 tỷ đồng. Hội đồng giải phóng mặt bằng đã chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân mà không kiểm tra, làm rõ về việc tranh chấp. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra trên hồ sơ địa chính cho thấy các diện tích này là đất công do UBND đang quản lý. Cơ quan thanh tra nhận định đây là biểu hiện sự thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh thống kê, lập phương án bồi thường gần 42 ha đất công ích do UBND xã đang quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng. Kết luận thanh tra khẳng định việc bồi thường đất công ích trong trường hợp này là không đúng với Luật Đất đai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 493,6 tỷ đồng và đến thời điểm gần đây, các đơn vị liên quan đã khắc phục số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét các vấn đề liên quan đến việc cấp phép đầu tư cho dự án Formosa cũng như việc đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thế Kha /Dân Trí
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân