Moitruong24h - "Việc ý tưởng huy động vàng chúng ta nên hiểu giống như phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng tiền đồng hay ngoại tệ, đây là ý tưởng tuyệt vời", Chủ tịch SSI nói.
TS.Cấn Văn Lực và ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI
Mới đây, Thủ tướng vừa có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nghiên cứu huy động vàng trong dân để tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc trả lời câu hỏi làm sao để có thể huy động được nguồn lực này hoàn toàn không phải là một vấn đề đơn giản.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, người dân đang sở hữu vàng, giống như họ đang sở hữu các tài sản khác, họ sẽ lựa chọn các phương án sao cho an toàn và hiệu quả nhất, họ có thể mua bán theo sự lên xuống của thị trường để kiếm lời hoặc đơn giản chỉ giữ làm tài sản dự phòng vì họ nghĩ giữ vàng là an toàn và thanh khoản có thể chuyển hoá thành tiền bất cứ lúc nào. Trước đây khi ngân hàng thương mại được phép huy động vàng có nhiều người đã sẵn sàng mang vàng đến gửi. Thực tế gửi ngân hàng thương mại độ an toàn được đánh giá thấp hơn Nhà nước.
"Nhà nước đang tìm cách huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng tiền đồng cho các nhà đầu tư trong nước hoặc bằng ngoại tệ ở thị trường nước ngoài cho các nhà đầu tư quốc tế như lâu nay vẫn làm. Việc ý tưởng huy động vàng chúng ta nên hiểu giống như phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng tiền đồng hay ngoại tệ, đây là ý tưởng tuyệt vời”, Chủ tịch SSI nói.
Theo đó, ông Hưng cho rằng, để ý tưởng này khả thi, Chính phủ cần đứng ở vai trò bên cần huy động vốn, cần chuẩn bị tài liệu giống như huy động trái phiếu quốc tế để người dân nghiên cứu với vai trò là nhà đầu tư. Khi người dân thấy phương án khả thi, đầu tư vào trái phiếu vàng của chính phủ là an toàn, hiệu quả, và nếu trái phiếu này niêm yết để tăng tính thanh khoản thì thậm chí sẽ xếp hàng đầu tư. Các tổ chức tài chính trong và ngoài nước sẵn sàng hợp tác để bảo lãnh cho việc phát hành này.
Cũng ủng hộ ý kiến huy động vàng trong dân, nhưng TS.Cấn Văn Lực lại đưa ra một phương án khác. Trao đổi với phóng viên BizLIVE, ông Lực cho rằng, trước hết, NHNN cần phải rà soát lại đề án chống vàng hoá trong nền kinh tế đã thực hiện được đến đâu và phải đề xuất các giải pháp tiếp theo như thế nào.
Còn với ý kiến có nên lập sàn vàng quốc gia hay không, theo quan điểm của chuyên gia này, là không nên.
"Thứ nhất, hiện nay số lượng vàng cụ thể trong dân là bao nhiêu vẫn chưa rõ, một số ý kiến cho là 500 tấn nhưng thực ra ý kiến đó chỉ dựa vào số liệu về dự báo nhu cầu vàng còn chính xác là bao nhiêu thì có lẽ sẽ cần tiếp tục kiểm định."
"Thứ hai, việc lập sàn vàng thì chắc gì người dân đã mặn mà giao dịch, giống như một siêu thị, chắc gì người ta đã muốn mua bán ở siêu thị, nhỡ người ta chỉ muốn mua bán ở chợ cóc thì sao. Đấy là văn hoá kinh doanh lâu nay của người dân mình."
"Thứ ba, khi lập sàn vàng có thể sẽ tăng độ vàng hoá trong nền kinh tế, vì như thế có thể sẽ tăng mức hấp dẫn của vàng”, TS. Lực nêu ý kiến.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng, thay vì lập sàn vàng, NHNN có thể nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng.
Theo đó, người dân có thể mang vàng đến các công ty, tổ chức được cấp phép (ví dụ như các ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc lớn) để đổi lại, được nhận chứng chỉ vàng.
Chứng chỉ này sau đó có thể được dùng để chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn.
Theo lý giải của ông Lực, điều này sẽ tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì nằm chết trong góc tủ của người dân.
Bên cạnh đó, đây cũng là một biện pháp đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho tài sản của người dân.
Tuy vậy, chuyên gia cũng lưu ý Nhà điều hành cần phải cân nhắc vấn đề là liệu các cơ quan được cấp phép phát hành chứng chỉ có phải trả lãi hoặc phí cho người dân hay không. Nếu trả lãi thì lại giống huy động vàng, còn nếu không trả lãi thì phải phân tích cho người dân thấy được lợi ích của việc gửi vàng để lấy chứng chỉ.
Trần Thúy/BizLive
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân