Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hưng Yên: Trám lấp giếng khoan không sử dụng để bảo vệ nguồn nước ngầm

26 Tháng Bảy 2016 10:26:50 CH

Moitruong24h - Với nhu cầu lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt như hiện nay, các giếng khoan khai thác nước ngầm xuất hiện khắp mọi nơi, từ nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư tới các cánh đồng. 
 
Theo quy trình kỹ thuật trong khoan khai thác nước ngầm, trước khi khoan chính thức cần phải tiến hành khoan thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng và độ sâu khai thác hợp lý. 
 
Tuy nhiên, với những người thợ khoan giếng dân sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính, kinh nghiệm để đặt máy khoan. Nếu may mắn, chỉ cần một mũi khoan là có nước phục vụ nhu cầu của gia chủ, nhưng nếu không may mắn phải dùng hết mũi khoan này tới mũi khoan khác mới có thể hoàn thành công việc. 


Khai thác nước ngầm lấy nước tưới cho cây trồng ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)

Chị Phạm Vân Hà, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) chia sẻ: “Gia đình tôi đã khoan một giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt có độ sâu trên 40 mét từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cuối năm 2013, gia đình tôi thường xuyên không thể lấy được nước từ giếng khoan này để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, năm 2014, gia đình tôi đã bỏ không sử dụng giếng khoan đó nữa và thuê thợ về khoan một giếng khoan mới có độ sâu 100 mét để lấy nước. Hiện tại, trong khuôn viên gia đình tôi có 2 giếng khoan nhưng chỉ có một giếng khoan hoạt động, giếng còn lại đã được rút ống và san gạt đất phủ lên trên. Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình khác trong thôn cũng phải bỏ giếng cũ không sử dụng và khoan giếng mới vì giếng khoan cũ chủ yếu có độ sâu 40 – 60 mét, vào mùa nước kiệt rất khó lấy nước phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt”.  
 
Các giếng khoan nước khi không còn được sử dụng bị bỏ hoang không được trám lấp đúng kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ sụt, lún, nhiễm bẩn do sự thông tầng nước ngầm. 
 
Theo nhiều chuyên gia, giếng khoan không sử dụng nếu không được trám lấp đúng và kịp thời sẽ trở thành “bể” chứa nước thải, là cửa để đưa các chất ô nhiễm từ trên bề mặt xuống các tầng chứa nước, làm ô nhiễm và suy thoái chất lượng nguồn nước ngầm. Các chất gây ô nhiễm trong nước có thể là các hợp chất hữu cơ, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thẩm thấu từ các khu vực canh tác nông nghiệp, nước thải công nghiệp, vi sinh vật gây bệnh… 
 
Với đặc tính của nước ngầm nằm sâu dưới đất nên khả năng lưu thông, tự làm sạch của nước ngầm bị hạn chế. Các chất ô nhiễm từ trên bề mặt khi ngấm xuống nước ngầm thường tồn lưu và di chuyển theo mạch nước khiến nước ngầm bị ô nhiễm. 
 
Ngày 4.9.2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT (Quyết định 14) quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng. Theo đó các giếng gồm giếng khơi, giếng khoan lấy nước dưới đất phục vụ sản xuất và sinh hoạt bị hỏng, không sử dụng cần được trám lấp theo quy trình kỹ thuật nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm từ các tác nhân trên bề mặt đất, nước mặt xuống tầng nước ngầm. 
 
Thực hiện Quyết định 14, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh lập dự án điều tra, trám lấp giếng khoan không sử dụng trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh. Sau khi điều tra, khảo sát đã lập danh sách gần 200 giếng khoan khai thác nước dưới đất bị hỏng, không sử dụng cần phải trám lấp. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Gần 200 giếng khoan hỏng, không sử dụng nằm rải rác tại nhiều địa phương, nhiều đơn vị, tổ chức với chiều sâu khai thác chủ yếu từ 40 – 100 mét. Đây là tầng khai thác nước chủ yếu phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Có những giếng khoan đã không còn sử dụng từ nhiều năm nay và chỉ được san lấp sơ sài. Việc thực hiện trám lấp giếng khoan hỏng, không sử dụng cần được thực hiện càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ tác động tiêu cực từ những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước từ trên bề mặt. Việc trám lấp phải được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật với các vật liệu chống thấm nước và khi trám lấp cần lưu ý thực hiện trám lấp từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng”. 
 
Năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định dành gần 1 tỷ đồng thực hiện dự án “Điều tra, trám lấp giếng khoan hỏng, không sử dụng trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành điều tra, khảo sát lại nhằm lập danh sách cụ thể, chi tiết từng giếng khoan và xây dựng phương án tổ chức trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời với việc tổ chức trám lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.
 

 

 

 

Mai Nhung/Báo Hưng Yên

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân