Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bùng phát hàng loạt cơ sở chế biến gỗ dăm không phép tại Thanh Hóa: Bao giờ mới hết cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”?

26 Tháng Bảy 2016 9:39:57 CH

Moitruong24h - Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 30 nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản. Hầu hết các cơ sở này đều xây dựng tự phát, không phép nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Tình trạng loạn cơ sở băm dăm không phép khiến cho vùng quy hoạch gỗ của tỉnh Thanh Hóa bị phá vỡ, người dân hám lợi trước mắt bán cả cây non cho chủ cơ sở băm dăm không phép...


Xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép của Công ty Minh Long. Ảnh: H.Châu

Cấm thì cứ cấm

Sau khi Báo GĐ&XH đăng tải bài viết “Bùng phát hàng loạt các cơ sở chế biến gỗ dăm không phép tại Thanh Hóa”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp với các sở, ngành, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm vấn nạn này. Tại cuộc họp ngày 11/5, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định: Tình trạng hoạt động trái phép của các nhà máy gỗ dăm đã làm phá vỡ quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, thất thoát trong hoạt động thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng rừng... yêu cầu chấn chỉnh, xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Đối với UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng hoạt động trái phép tiếp tục diễn ra.

Sau chỉ đạo trên 2 tháng, theo ghi nhận của PV, các cơ sở băm dăm không phép, trái phép tại các huyện: Thường Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa đã được xử lý, dẹp bỏ. Tuy nhiên, tại huyện Tĩnh Gia, tình trạng này vẫn diễn ra, đặc biệt có cơ sở đã bị kiểm tra xử lý nhưng vẫn hoạt động như là sự thách thức pháp luật. Đó là cơ sở chế biến gỗ dăm không phép của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68 (thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia).

Mặc dù đã bị cấm, nhưng theo quan sát của chúng tôi, những ngày cuối tháng 7, tại xưởng băm dăm của Công ty Minh Long, hai dây chuyền băm dăm vẫn ngày đêm hoạt động. Tiếng máy băm dăm chạy suốt đêm khiến người dân sống quanh khu vực bức xúc. Để phục vụ công việc băm dăm, một chiếc cẩu hoạt động hết công suất vận chuyển gỗ đến băng chuyền băm dăm. Trong xưởng luôn có cả chục công nhân làm việc.

Vì sao khó xử lý?

Được biết, UBND huyện Tĩnh Gia đã tiến hành kiểm tra cơ sở băm dăm không phép này, nhưng mọi việc vẫn chỉ dừng lại trên... giấy. Cụ thể, sau khi kiểm tra, ngày 7/7, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản xử lý vi phạm với Công ty Minh Long. Tại văn bản Số 1313/TB-UBND của UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định, Công ty Minh Long hoạt động khi chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, không được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dăm theo quy định, sử dụng sai mục đích, tổ chức xây dựng công trình, hạng mục công trình trái phép.

Tại văn bản này, UBND huyện Tĩnh Gia cũng yêu cầu Công ty Minh Long dừng mọi hoạt động liên quan đến thu mua nguyên liệu và sản xuất, chế biến dăm gỗ của cơ sở, phải chủ động tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền máy móc và các phương tiện, thiết bị khác phục vụ cho sản xuất, chế biến gỗ dăm. Hoàn trả nguyên trạng, khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu và thực hiện trước ngày 15/7. Đồng thời, UBND huyện Tĩnh Gia giao Công an huyện Tĩnh Gia tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu thu mua và hoạt động của Công ty Minh Long.

Mặc dù bị yêu cầu dừng hoạt động, nhưng Công ty này vẫn sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép. Người dân đặt câu hỏi, phải chăng Công ty Minh Long có thể vượt trên pháp luật như vậy vì đã được bảo kê? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết đang bận họp và cử ông Lê Anh Cường, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc xây dựng làm việc với phóng viên. Tại buổi làm việc, ông Cường thừa nhận việc xử lý Công ty Minh Long là khó. Ông Cường nói: “Hiện tại, huyện đã có báo cáo lên tỉnh. Nếu tỉnh chỉ đạo cưỡng chế thì huyện sẽ tiến hành ngay. Còn phương án trước mắt là ngừng cung cấp điện và Công ty Minh Long sẽ phải đóng cửa”.

Liên quan đến thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 797-UBND/NN về việc “kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất các cơ sở băm gỗ dăm trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo: “Giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cục Thuế Thanh Hóa, UBND huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, căn cứ các quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường… xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm theo quy định của pháp luật”.

 

 

 

 

Hà Châu/GĐ & XH

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân