Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hiểm họa vô hình từ than tổ ong

26 Tháng Bảy 2016 5:18:27 CH

Moitruong24h- Nhiều người dân đang vô tình gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội với việc sử dụng bếp than tổ ong, bất chấp sự độc hại của loại nhiên liệu này.

Tràn lan ngõ, phố

Chỉ mất khoảng 100.000-200.000 đồng, mỗi gia đình đã có thể sắm riêng cho mình một chiếc bếp than vừa nhỏ gọn, tiện lợi, dễ sử dụng, lại tiết kiệm hơn nhiều so với dùng bếp điện hay bếp ga. Với những ưu điểm vượt trội như vậy, bếp than tổ ong được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là tại những gia đình có nguồn thu nhập thấp, bất chấp những tác hại của khói than cũng như sự nguy hiểm của bếp than.

Dạo một vòng qua các tuyến ngõ phố, chợ dân sinh, hầu hết các quán cơm, phở bình dân... đều ít nhiều sử dụng than tổ ong. Tại khu vực tập trung đông dân cư như bệnh viện, trường học, tức là những nơi có nhiều hàng, quán bình dân, sự xuất hiện của các bếp than vỉa hè càng dày đặc hơn. Các bếp than thậm chí còn được người dân vô tư đặt gần nguồn điện, động cơ chứa xăng và các vật liệu dễ cháy.

Chưa có cơ quan nào thống kê chính xác mỗi ngày Hà Nội đốt hết bao nhiêu viên than tổ ong. Tuy nhiên, theo một người chuyên lấy than bán lẻ tại quận Hai Bà Trưng thì riêng tại khu vực Cảng Hà Nội mỗi ngày xuất đi ít nhất 5 vạn viên. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn rất nhiều điểm lấy than cám từ Cảng Hà Nội về để đóng than tổ ong cung cấp ra thị trường. Như vậy, chỉ tính sơ qua số lượng than được tiêu thụ và mật độ người sử dụng thì riêng rác thải từ xỉ than đã lên đến hàng chục tấn, chưa kể đến lượng khí thải độc hại sinh ra từ quá trình đun than. Bên cạnh đó, theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, năm nào cũng có nhiều vụ cháy xuất phát từ việc sử dụng bếp than tổ ong thiếu thận trọng, trong đó có hàng chục vụ cháy xe máy do đặt cạnh bếp than.


Ảnh minh họa . Ảnh: Duy Thông

Cần có lộ trình cấm sử dụng

Than tổ ong cũng là than đá nhưng chủ yếu là dạng than cấp thấp, trộn với bùn và chất khác. Khi đốt than cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thải phát thải một số hợp chất độc hại ra môi trường. Thứ nhất, nó sẽ phát thải ra chất CO rất độc. Thứ hai, than ở Việt Nam có rất nhiều lưu huỳnh, khi hít phải gây bệnh phổi, hen suyễn… Thứ ba, các hợp chất oxit của nitơ (NOX), có khói màu vàng, là khí độc gây hại cho hệ  hô hấp, hệ tuần hoàn máu. Ngoài ra, trong than còn có một số hợp chất hữu cơ phát ra khi đun ở nhiệt độ thấp có khả năng gây bệnh ung thư, đặc biệt, chúng còn phát ra các oxit kim loại như chì, kẽm… vốn rất độc cho cơ thể người

Theo quan sát, hiện nay, hầu hết người dân sử dụng bếp than tổ ong đều dùng bếp làm bằng bông chịu nhiệt vì nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, khi sử dụng, loại bếp này sẽ tạo ra loại bụi có hại cho phổi người sử dụng. Còn về than, đáng buồn là 2 loại hay được người dân sử dụng nhất là than bẩn và than siêu cháy lại là 2 loại không nên sử dụng nhất. Than bẩn có giá thành rẻ, thường chỉ được sử dụng trong công nghiệp, là những loại than tạp chất có hàm lượng lưu huỳnh cao. Than siêu cháy, với ưu điểm đượm lửa và cháy lâu, đắt hơn so với than bình thường khoảng 500 đồng. Khi sản xuất loại than này, chủ lò thường cho một số phụ gia như sắt, kali, trấu, dầu…, thậm chí cả dầu nhớt thải để tạo ra loại than vừa dễ cháy, vừa tiết kiệm chi phí. Than tổ ong bình thường khi sử dụng đã độc, những loại than trên do có các thành phần tạp chất nên càng dễ gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Điều đáng nói là mặc dù đã có nhiều cảnh báo trong việc sử dụng than tổ ong, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cấm sử dụng loại than này. Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường 2005 chỉ liệt kê 16 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có một quy định chung là: “Cấm thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép”. Chủ tịch UBND phường Phương Mai, quận Đống Đa Hoàng Thị Bảo Phương cho biết, do thiếu quy định, nên dù người dân sống ở tầng trên các khu chung cư phản đối hàng xóm tầng 1 sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm, nhưng phường chỉ có thể vận động chứ không thể cưỡng chế. Vì thế, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Mặt khác, hiện nay hầu hết các sản phẩm than tổ ong đều được sản xuất theo phương pháp thủ công, vì vậy chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn không khí… cũng như hàm lượng độc hại của cacbon, các thành phần cấu tạo nên than. Nói chung, độ sạch của than hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm người sản xuất.

Với thành phố có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội, không thể để người dân sử dụng mãi loại nhiên liệu gây ô nhiễm như than tổ ong. Tuy nhiên, việc cấm ngay lập tức sử dụng loại than này rất khó, bởi còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể tìm được ngay loại nhiên liệu thay thế phù hợp với điều kiện của mình. Dẫu vậy, để xây dựng một thành phố văn minh, có môi trường sống trong lành cần có lộ trình tiến tới cấm sử dụng than tổ ong, phấn đấu đến năm 2018 không còn hộ gia đình nào dùng than tổ ong trên toàn thành phố như mong muốn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Lễ phát động và hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới đầu tháng 6 vừa qua.

 

 

 

 

Băng Tâm/ Đại biểu nhân dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân