Moitruong24h - Sau ca mổ, cháu bé đã chào đời lành lặn. Ít ai biết, phía sau sự hy sinh cao cả của người mẹ từ chối điều trị bệnh để giữ con là một câu chuyện tình cảm động.
Những ngày đầu tháng 7, câu chuyện sản phụ ung thư phổi giai đoạn cuối được thực hiện ca phẫu thuật sinh con hy hữu đã khiến dư luận bàng hoàng xúc động. Sau ca mổ, cháu bé đã chào đời lành lặn. Ít ai biết, phía sau sự hy sinh cao cả của người mẹ từ chối điều trị bệnh để giữ con là một câu chuyện tình cảm động.
Màn tỏ tình trong im lặng
Ngồi bên hành lang bệnh viện, anh Trần Hà (trú tại P. Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) như chết lặng. Bên trong phòng bệnh, vợ anh vừa trải qua ca sinh mổ khó khăn, vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt. Đôi mắt rưng rưng, khi được người viết gợi chuyện, anh Hà nức nở kể về hạnh phúc ngắn ngủi nhưng hàm chứa bao kỷ niệm và cả sự hy sinh của người vợ bất hạnh, không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
Theo lời anh Hà thì anh kết hôn với chị Đậu Thị Huyền Trâm (sống cùng quê) vào đầu tháng 2/2016. Trước đám cưới rình rang, có sự chúc phúc của gia đình, bạn bè ấy, đôi trẻ cũng từng trải qua khoảng thời gian hẹn hò vô cùng hạnh phúc. “Lương duyên giữa hai đứa ngoài tình cảm đặc biệt nảy sinh giữa đôi bên, còn phải kể đến sự vun vén của gia đình. Cũng nhờ cha mẹ hai bên thương yêu, hết sức ủng hộ, chúng tôi mới đến được với nhau”, anh Hà ngậm ngùi.
Anh Hà và chị Trâm vốn là chiến sĩ Công an, hiện công tác tại Thành phố Hà Tĩnh. Anh gặp chị Trâm trong ngày đầu đến nhận công tác tại tổ chức. Cuộc gặp định mệnh ấy đã khiến anh Hà trúng phải “tình yêu sét đánh”. Những cuộc hẹn hò cũng từ đó dày thêm. Xác định quan hệ tình cảm lâu dài, anh Hà và chị Trâm không ngần ngại giới thiệu nhau với hai bên gia đình. Nhưng dù được ủng hộ của cha mẹ, tình yêu của họ cũng trải qua không ít trắc trở.
“Hai đứa tính nết trái ngược nhau. Bởi thế khi tình cảm bột phát qua đi, chúng tôi không tránh khỏi cãi vã, mâu thuẫn do trái chiều quan điểm sống. Nhưng dần dần, tình yêu lớn đã giúp cả hai dung hòa. Trong khi tôi hoạt bát, ưa chỗ đông người thì Trâm sống trầm hơn. Để vun đắp tình cảm, chúng tôi xác định phải nhường nhịn nhau, người này tiến lên thì người kia phải lùi xuống”, anh Hà kể.
Nhớ về quãng thời gian mới “cảm nắng” vợ, anh Hà tâm sự: “Tôi mê Trâm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lúc ấy, tôi đã biết mình sẽ làm mọi giá để “cưa đổ” nàng. Ban đầu, Trâm có vẻ không đáp lại tình cảm của tôi. Nhưng càng về sau, quan hệ giữa hai đứa càng tiến triển dần. Tôi biết mình đang đi đúng hướng”.
Một buổi tối đầu năm 2015, khi cùng rảo bước trên một con đường, anh Hà đã đem hết can đảm tỏ tình. “Nhận được hoa cùng lời yêu thật ngọt ngào, Trâm chỉ cười mỉm mà không nói gì. Cả hai đứa đứng lặng nhìn nhau một lúc rồi tôi đưa Trâm về nhà. Khoảnh khắc đó, cả hai đứa đều ngượng nên chỉ dám nhìn liếc qua nhau. Để xua tan không khí tĩnh lặng, tôi chủ động trò chuyện suốt chặng đường đi. Về đến cổng, cô ấy chào và đáp lại tôi bằng cái ôm nhẹ rồi bước vào nhà. Cả đêm hôm ấy, tôi nửa vui nửa buồn, lòng nơm nớp lo âu sự im lặng của Trâm có thể đồng nghĩa với sự từ chối. Suốt đêm suy nghĩ, tôi đặt ra hàng loạt giả thiết để tự phân bua, lý giải về những hành động của Trâm, cũng như khả năng thành công của lời tỏ tình tối hôm trước. Sáng hôm sau tôi vẫn đi làm, cố tiếp cận vợ để nhận được câu trả lời rõ ràng. Những lần sau đó, tôi bắt đầu nhận được tín hiệu thành công”, anh Hà bộc trực.
Ước mong con ra đời như “trái ngọt tình yêu”
Tìm hiểu nhau được một năm thì hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Nhờ sự chấp thuận của hai bên gia đình, một đám cưới rình rang được ấn định tổ chức vào đầu tháng 2/2016. “Trước đám cưới, đôi lần Trâm hỏi tôi: “Nếu em bị bệnh, anh có còn yêu em nữa không. Khi đó, tôi cũng chỉ nghĩ cô ấy hỏi vu vơ. Bởi vậy, tôi trả lời để lấy lòng vợ. Nào ngờ, câu hỏi hôm ấy lại trở thành một định mệnh, gắn vào gia đình nhỏ bé của tôi”, anh Hà rớm nước mắt nói.
Sau những ngày tháng hạnh phúc ngọt ngào, hai vợ chồng anh Hà chị Trâm quyết định đi khám sức khỏe tổng hợp và tiến hành khám thai. Thời gian đầu đi khám, bác sĩ nói sức khỏe của chị Trâm vẫn bình thường, thai nhi những tuần đầu phát triển đều, không có biểu hiện gì có bệnh tật. Tuy vậy, đến khoảng tuần thứ 10, chị Trâm bắt đầu sờ thấy cục hạch nhỏ đang lớn dần trong cổ họng. Ban đầu sờ thấy nó chỉ hơi vướng. Nhưng theo thời gian, cục hạch dần lớn lên, gây khó khăn cho chị trong sinh hoạt, ăn uống.
Thấy vợ tâm trạng bất an lại gầy đi trông thấy, anh Hà lập tức đưa chị Trâm đi khám tại một trung tâm y tế cơ sở. Nhưng tại đây, do thiếu phương tiện máy móc, các bác sĩ chưa xác định được chính xác căn bệnh chị Trâm đang mang. “Thời điểm thai nhi phát triển đến tuần thứ 14, tôi thấy cục hạch ở họng Trâm ngày càng lớn. Quá lo lắng, tôi đưa vợ đi khám lại. Lần này, bác sĩ chẩn đoán vợ tôi có thể đã bị u tuyến giáp. Do chưa chắc chắn, bác sĩ cho vợ tôi về nhà theo dõi, bốn tuần sau sẽ đến khám lại. Khoảng thời gian chờ đợi đó, vợ tôi suy sụp tinh thần, không khí gia đình vô cùng ảm đạm. Tôi chỉ biết động viên vợ, mong nghi vấn bác sĩ thông báo không phải là sự thật”, anh Hà nhớ lại.
Nhưng 5 tuần sau đó, khi thai nhi phát triển đến tuần thứ 19, chị Trâm không còn trụ được nữa. Lúc này, khối u ở họng đã phát triển với kích thước lớn, gây khó khăn cho việc hít thở và sinh hoạt của chị Trâm. Được gia đình đưa lên Bệnh viện K thăm khám, xét nghiệm, chị Trâm bàng hoàng khi biết mình đã bị ung thư phổi giai đoạn 4, di căn sang gan. Khi biết bệnh tình, chị Trâm buồn rầu, ngồi ngẩn người trước cửa nghĩ ngợi lung tung. “Bất giác, Trâm nói với tôi: “Sau này, anh phải chăm sóc con thật tốt”, anh Hà rớm nước mắt nói thêm.
Thông tin chị Trâm bị ung thư giai đoạn cuối chẳng khác nào “tiếng sét giữa trời quang” giáng xuống đầu anh Hà. Nhưng khi những dòng lệ nghẹn ngào tuôn rơi làm nguôi đi cú sốc, anh Hà lấy lại bình tĩnh, lau khô khóe mắt đỏ ngầu. Tiến vào giường bệnh, anh Hà gắng gỏi động viên vợ, vừa an ủi để chị khỏi tủi thân. Nhưng rồi, những dòng nước mắt, không biết lăn dài trên má đôi vợ chồng trẻ từ bao giờ, lại chảy xuống. Những ngày sau đó, anh liên tục ở bên động viên chị, ngày đêm túc trực, an ủi. “Ban ngày kể chuyện vui, còn đêm về tôi thường kể những kỷ niệm vui của cả hai để cùng ôn lại ký ức đẹp. Tôi chỉ mong cô ấy vui lên mỗi ngày để không bị bệnh tật đánh gục”, anh Hà bộc trực.
Thời gian gần đây, chị Trâm bắt đầu có biểu hiện ho ra máu ở mức độ nhẹ, khó thở khi gắng sức. Để quá trình điều trị đạt kết quả khả quan hơn, các bác sĩ đề nghị gia đình và chị Trâm xem xét đình chỉ thai đang mang trong mình. Khoảnh khắc ấy, tình mẫu tử thiêng liêng đã chiến thắng nỗi sợ hãi bệnh tật. Chị Trâm quyết chiến đấu để giữ con chào đời.
“Gia đình hai bên khuyên ngăn hết lời đình thai nhi để đẩy nhanh quá trình điều trị khối u. Chỉ có lựa chọn đình thai nhi mới thì mới tăng thêm phần cứu sống mẹ. Tuy vậy, Trâm ra sức thuyết phục mọi người được quyền quyết định sinh bé trai ra, cho con trai có cơ hội được nhìn thấy cuộc đời. Sau khi mọi người đã đi hết, Trâm lôi tôi lại gần và nói muốn sinh đứa bé như món quà đơm hoa kết trái, là mong ước cuối cùng của Trâm trước khi bước vào đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo”, anh Hà thuật lại.
Chuỗi ngày mà chị Trâm vượt qua là chuỗi ngày vừa đau thương vừa hạnh phúc. Trong khi người mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư đã di căn giai đoạn cuối, thì mầm sống nhỏ nhoi vẫn đang cựa quậy, vẫn như tiếp thêm sức mạnh cho chị để tiếp tục cầm cự chờ ngày con ra đời. Sự sống mong manh, ngay cả các bác sĩ cũng lo lắng vì ca phẫu thuật quá hy hữu, có thể mất mẹ hoặc con bất cứ lúc nào. Nhưng rồi phép màu kỳ diệu nào đó đã đến với hai mẹ con chị Trâm. Bản năng sinh tồn của đứa trẻ chỉ mới nặng 1,2 kg, sự dũng cảm, mạnh mẽ của trái tim người mẹ, cùng với sự tận tâm của 20 y bác sĩ đã làm nên kỳ tích. Một mầm sống đã ra đời từ những đau thương. Chị Trâm đã khóc khi đón con ra đời sau bao ngày chờ đợi. |
Theo GĐ & XH
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân