Hotline:
Banner
Tin Nóng

Đã tìm thấy 'cành hoa sen' trong ca dao: Chỉ là thông tin gây sốc?

11 Tháng Bảy 2016 11:05:47 SA

Tranh luận về "cành hoa sen" trong bài ca dao nổi tiếng có thật hay không có thật vốn đã xuất hiện từ lâu trong giới nghiên cứu văn học chứ không phải bây giờ mới bàn.

Chắc hẳn mấy ngày nay, cả báo chí lẫn giới nghiên cứu văn chương đang xôn xao trước thông tin gây “chấn động” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Bằng những suy đoán, phân tích, lập luận của một người “ngoại đạo”, vị này khẳng định cây sen đất ở chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chính là “cành hoa sen” trong những bài ca dao nổi tiếng như: “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen …” hoặc “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng ...”. Cũng theo thông tin từ nhà nghiên cứu này, cây sen đất (hay còn gọi là sen núi) có bông rất giống sen bình thường, thân gỗ, gần giống thân cây hồng xiêm, lá như lá đa.

Từ những dữ liệu trên, nhà nghiên cứu âm nhạc khẳng định, cành hoa sen trong ca dao là có thật và chính là cành sen đất chứ không phải cách nói bóng bẩy, nghệ thuật như nhiều người đang ngộ nhận.

Bên cạnh đó, nhằm tăng tính thuyết phục cho lập luận của mình, vị này còn cho rằng, khó xảy ra trường hợp một chàng trai nào đó “ngơ ngẩn” vắt ao lên hoa sen trong đầm vì “nếu vào mùa có sen, tôi nghĩ không tát nước được. Trong khi cây sen đất thì lúc nào cũng có thể vắt áo lên cành”.


Cây sen đất ở chùa Bồi Khê

Thực ra những tranh luận về tính xác tín của một hình tượng văn học diễn ra khá phổ biến trong đời sống văn chương. Tranh luận về cành hoa sen có thật hay không có thật vốn đã xuất hiện từ lâu trong giới nghiên cứu văn học chứ không phải bây giờ mới bàn. Và không chỉ riêng về cành hoa sen, người ta còn tranh luận về nhiều hiện tượng khác nữa (chẳng hạn tranh luận về chuyện có hay không nụ tầm xuân màu xanh trong câu ca dao Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc).

Có điều những tranh luận trên vốn chỉ được ưa chuộng khi mà lối phê bình xã hội học văn học thịnh hành vào khoảng mấy chục năm trước. Lối phê bình văn học này dựa trên quan điểm “văn học phản ánh hiện thực”, đòi hỏi người ta phải truy tìm tận cùng vấn đề và quy nó về thực tiễn. Nhưng lối phê bình xã hội học vào thời kỳ cực thịnh của nó (cách đây mấy chục năm) cũng chỉ là một cách tiếp cận, một hướng giải thích tác phẩm mà thôi.

Nếu trước kia chúng ta cố gắng giải thích tác phẩm bằng quan niệm văn học phản ánh hiện thực thì giờ đây, chúng ta chấp nhận nó như một sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, những phi lý văn chương được chấp nhận như là một điểm nhấn góp phần tạo nên giá trị tác phẩm. Từ những điều phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy thông tin mà nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đưa ra không hề mới về mặt học thuật (vì từ rất lâu các nhà nghiên cứu đã bàn tới vấn đề này rồi). Không chỉ vậy, việc tìm ra cây sen đất cũng không phải là một phát hiện vì hiện nay, loại cây này được rao bán và trồng rất phổ biến.


Hoa sen đất chùa Bối Khê

Nhưng một câu hỏi là tại sao khi đưa vấn đề này ra dư luận, nó lại tạo sức hút đến vậy? Có lẽ sức sống của văn học dân gian trong đời sống dân tộc vẫn có những mạch ngầm riêng. Nhưng do những ngộ nhận, hiểu chưa đầy đủ cộng với khả năng “gây sốc” của truyền thông mà tự nhiên, vấn đề lại được bàn tán rôm rả trên nhiều diễn đàn. Không thể nói rằng quan điểm của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long là sai vì trong mỹ học tiếp nhận, người đọc là chủ thể tối quan trọng và họ có quyền bày tỏ quan điểm.

Thậm chí thông tin về cây sen đất cũng cần được xem xét như một giả thuyết trong vô vàn các giả thuyết hình thành nên một hiện tượng văn chương đầy lý thú như bài ca dao đề cập ở trên. Tuy nhiên, việc công bố tìm thấy “cành hoa sen” gây tranh cãi trong ca dao dường như không có đóng góp về mặt tư liệu mà gây sốc là chủ yếu.

 

 


Phạm Văn/Người Đưa Tin

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân