Moitruong24h - Quần thể cây xanh hàng trăm năm tuổi sừng sững giữa đất trời Côn Đảo. Chúng được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”, quý giá và rất đỗi thiêng liêng.
Tản bộ ở Côn Đảo, chúng tôi được nhiều cây xanh có niên đại hàng trăm năm tuổi che bóng mát. Mảnh đất Côn Đảo bi hùng, ngay cả cây xanh nơi đây cũng chất chứa bao điều. Trên mỗi thân cây đại thụ đều mang dòng chữ “Cây di sản Việt Nam”. Trong khuôn viên nhà chúa Đảo trước đây (nay là Nhà trưng bày Khu di tích Côn Đảo), ở hệ thống các nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… đều sừng sững những cây xanh đại thụ được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”. Ở Côn Đảo có tất thảy 79 cây di sản, gồm cây bàng, bằng lăng, điệp bèo và cây thị.
Đường Tôn Đức Thắng-con đường ven biển có nhiều cây bàng di sản.
Tận mắt chứng kiến hệ thống nhà tù Côn Đảo vốn được mệnh danh là “địa ngục trần gian” khét tiếng, lắng nghe khúc tráng ca bi hùng của những chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam cầm, đày đọa, chạm tay vào những cây bàng đại thụ trong không gian tĩnh lặng, chúng tôi bùi ngùi xúc động. Một đồng nghiệp bảo, phải gọi đây là những “cụ cây”.
Một trong những cây bàng được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”.
Vâng, những “cụ cây” 130-150 tuổi đời này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, chứng kiến sự đàn áp dã man, vô nhân tính của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chứng kiến tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng cũng như giây phút tột cùng niềm vui ngày giải phóng.
Đối với người tù Côn Đảo, cây bàng là một phần không thể thiếu trong ký ức của những tháng ngày bị giam cầm, đày đọa. Trở lại Côn Đảo, sờ tay vào tấm bảng đề dòng chữ “Cây di sản Việt Nam”, sờ vào từng ngóc ngách trên thân cây bàng vốn được ghi sâu trong ký ức, nhiều người không cầm được nước mắt. Lá cây bàng giúp họ ấm hơn trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt.
Lá cây bàng là thức ăn, giúp họ chống chọi với cái đói run người. Và, lá cây bàng là thuốc chữa lành những vết thương.
Bà Nguyễn Thị Ny (nữ tù quê tỉnh Tiền Giang, hiện sống ở Côn Đảo) kể, có một đồng chí lén lượm lá bàng ăn, thằng giám thị nhìn thấy, nó đánh gãy xương hàm. “Đối với chúng tôi lá bàng ngày ấy ăn ngọt như đường. Nói thế để thấy nó quý biết nhường nào. Nó tiếp cho chúng tôi sự sống”, bà Ny nói.
Cây bàng trên đất Côn Đảo rất đỗi thiêng liêng. Nó như thể người bạn thân thiết của người tù. Nó tiếp sức cho những con người quả cảm thực hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp. Chiến sĩ cách mạng ở trong tù đốt lá bàng khô để lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau. Gốc cây bàng nhiều ngóc ngách như những ngăn tủ khóa kín được chiến sĩ cách mạng chọn làm địa điểm cất giấu thư từ.
Du khách lắng nghe chuyện về những người tù và cây bàng ở di tích nhà lao Phú Hải.
Cây bàng lúc bấy giờ làm nhiệm vụ của một bưu tá, truyền và nhận thông tin.
Nói đến cây bàng, các cựu tù Côn Đảo luôn miệng nhắc đến cây bàng Tôn Đức Thắng. Chúng tôi cứ ngỡ đó là cây bàng do bác Tôn trồng. Nhưng không, bác Tôn trong những tháng ngày bị giam ở Côn Đảo đã chọn cây bàng ở đối diện Sở lưới (nay là UBND huyện Côn Đảo) làm nơi cất giấu tài liệu. Tiếc là cây bàng bác Tôn nay không còn.
Quần thể cây di sản Việt Nam được người dân Côn Đảo gìn giữ, bảo vệ. Côn Đảo càng thêm bi hùng, cổ kính bởi những nhân-chứng-lịch-sử trải qua hàng trăm vẫn hiên ngang, sừng sững. Từng luồng gió thổi làm rơi hạt bàng trên cây đại thụ. Người dân Côn Đảo đón lấy món quà của thiên nhiên chế biến thành đặc sản. Du khách đến Côn Đảo không quên mua hạt bàn về làm quà và mang theo những câu chuyện lịch sử bi hùng.
Phương Lý/ Báo Quảng Ngãi
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân